Tại World Cup 1982, tuyển Algeria đã gây sốc khi đánh bại Đức 2-1. Cần nhớ khi đó Đức là đương kim vô địch châu Âu, sở hữu nhiều ngôi sao hàng đầu.
Từ món nợ ở Gijon
Nhưng những gì diễn ra sau đó còn gây sốc hơn: Đức và Áo đã đóng kịch ở trận cuối, dắt tay nhau đi tiếp để loại Algeria. Đức ghi được bàn thắng ở phút thứ 10 và từ đó, 2 đội chơi như đá tập. “Vết nhơ ở Gijon” là một trong những chuyện đáng xấu hổ nhất trong lịch sử World Cup.
Người Algeria chắc chắn vẫn còn nhớ mối thù này nhưng bây giờ, đánh bại Đức, trả món nợ năm xưa không phải một nhiệm vụ dễ dàng. Đức, từng 3 lần lên ngôi các năm 1954, 1974 và 1990, đến Brazil với tư cách một trong những ứng viên hàng đầu cho chức vô địch. Ở vòng bảng, đoàn quân của Joachim Loew từng đè bẹp Bồ Đào Nha tới 4-0 rồi hạ gục Mỹ, vốn chơi tử thủ để kiếm một điểm. Ngay cả khi bị Ghana cầm hòa, Đức vẫn chơi bài bản, được cả “thánh” Johan Cruyff khen ngợi.
Đấy là người Đức vẫn chưa bung hết sức, chưa lật hết những quân bài có trong tay. Thomas Mueller ghi quá nửa số bàn thắng nhưng “Die Mannschaft” không phụ thuộc vào chân sút này như cách Argentina trông cả vào Lionel Messi. Không Mueller, ông Loew còn có Mario Goetze, Miroslav Klose hay cả trung vệ Mats Hummels. Với tuyển Đức, bàn thắng có thể đến từ mọi hướng, mọi vị trí. Sự khó lường là điểm khiến mọi đối thủ phải dè chừng thầy trò ông Loew.
Tạm biệt một hiện tượng
Algeria cũng không phải tay mơ. Không có ngôi sao nhưng ở vòng bảng, đoàn quân của HLV Vahid Halilhodzic đã thể hiện được sự kiên cường cùng những kỹ năng khá tốt. Như ở trận gặp Bỉ, Algeria cho thấy khả năng tổ chức phòng ngự rất tốt cùng những đòn phản công nhuần nhuyễn. Ở trận gặp Hàn Quốc và Nga, "Cáo sa mạc" còn chơi tưng bừng hơn, ghi tới 5 bàn (lần đầu tiên trong lịch sử có 1 đội châu Phi ghi 4 bàn trong 1 trận đấu ở World Cup).
"Tôi muốn thấy các học trò chiến đấu như vậy", ông Halilhodzic hồ hởi sau trận "chung kết" với Nga. Vị HLV này tiết lộ Algeria thua Bỉ chủ yếu do không đủ thể lực và tinh thần để chơi tập trung trong 90 phút. Sau thất bại này, Halilhodzic đã truyền lửa thêm cho các học trò và kết quả là họ đã vượt qua Hàn Quốc và hòa Nga, lần đầu tiên lọt vào được vòng 1/8. "Đức là một gã khổng lồ còn Algeria chỉ là một đội bóng nhỏ. Nhưng biết đâu đấy", ông Halilhodzic lạc quan.
Ở trận này, Algeria nhiều khả năng sẽ lại chơi phòng ngự phản công như khi gặp Bỉ. Tuyển Đức thường dâng cao, các hậu vệ lại khá chậm chạp nên sẽ có nhiều cơ hội cho các tiền đạo nhanh như chớp của Algeria trổ tài. Ở trận gặp Ghana, Đức đã mắc những lỗi này và lại tái diễn ở trận gặp Mỹ. HLV Loew của Đức đã phải cảnh báo: “Chúng tôi đã nhiều lần bất cẩn mất bóng và những đội khác có thể tận dụng sai lầm này. Thật nguy hiểm”.
Ở tứ kết EURO 2012, Đức cũng từng bị Hy Lạp, đội gần như không biết tấn công, chọc thủng lưới tới 2 lần. Chính việc phải dốc sức trước Hy Lạp đã phần nào khiến Đức hụt hơi ở trận bán kết với Italy. Chiến thắng nằm trong tầm tay của “Die Mannschaft” nhưng ngoài vé đi tiếp, họ cần phải bảo toàn được lực lượng lẫn thể lực. Đường tới chức vô địch vẫn còn rất dài.
2 Đức mới gặp Algeria 2 lần và thua cả 2. Đức thua lần đầu năm 1964 (giao hữu) và thua lần 2 ở trận vòng bảng năm 1982.
4 Mueller đang có 4 bàn, xếp thứ 2 trong danh sách Vua phá lưới. Ở trận gặp Hàn Quốc, Algeria đã ghi 4 bàn. Đây là lần đầu tiên 1 đội châu Phi ghi 4 bàn trong 1 trận đấu ở World Cup.
10 Theo đánh giá của tờ Times, đội hình của Đức trị giá 828 triệu USD, gấp gần 10 lần của Algeria (83 triệu USD).
Đội hình dự kiến
Đức: Neuer - J. Boateng, Mertesacker, Hummels, Hoewedes - Schweinsteiger, Lahm, T. Kroos - Oezil, T. Mueller, M. Goetze
Algeria: M'Bohli - Mandi, Belkalem, Halliche, Mesbah - Medjani, Bentaleb - Feghouli, Brahimi, Djabou – Slimani.
Nguồn Thethaovanhoa.vn