Hậu vệ Michael Umana (giữa, đội Costa Rica) ghi bàn vào lưới đội Hy Lạp
bằng cú sút phạt penalty trong trận đấu ngày 29/6. Ảnh: AFP-TTXVN
Ảo ảnh mang tên thủ môn
Trong loạt luân lưu, ngay trước khi cầu thủ đối phương tung cú sút, bạn sẽ thường nhìn thấy thủ môn liên tục hoạt động đôi chân nhằm khiến cầu thủ sút bóng mất tập trung. Tiểu xảo này còn hiệu quả hơn nữa nếu thủ môn mặc áo cánh dơi và đi đôi găng tay ngoại cỡ khiến kích thước của "người gác đền" có vẻ lớn hơn, tỷ lệ nghịch với "cửa đền".
Lời khuyên "màu đỏ"
Biểu tượng cho sự nguy hiểm hoặc giận dữ, màu đỏ được các nhà khoa học chứng minh là màu sắc có lợi nhất cho các thủ môn trong loạt đá luân lưu. Theo các nghiên cứu ở trường Đại học Chichester, miền Nam nước Anh, thủ môn mặc áo đỏ chỉ phải vào lưới nhặt bóng 54% số quả penalty, trong khi tỷ lệ này khi mặc áo vàng là 69%, xanh trời là 72% và 75% với áo xanh lá. Nguyên nhân là do đây là màu sắc mà mắt người thường vô tình hướng đến trong giờ phút căng thẳng.
Trung vệ Juan Guillermo Cuadrado, đội tuyển Colombia
ghi bàn thắng vào lưới đội tuyển Nhật Bản bằng cú sút penalty
ở phút 18 của trận đấu ngày 24/6. Ảnh: AFP/TTXVN
Đòn tâm lý
Một mẹo tâm lý mà các thủ môn hay sử dụng là đi lên trước và bắt tay tiền đạo đối phương, sau đó cầm quả bóng lên và vỗ nhẹ vào trái bóng trước khi để nó lại điểm sút phạt. Mục đích của những hành động này là nhằm "đánh cắp" quyền kiểm soát trái bóng khỏi tiền đạo, khiến tiền đạo đối phương phải tập trung vào mình và bỏ rơi mất các động tác chuẩn bị làm quen với trái bóng.
Gợi ý "đường bóng"
Các nhà khoa học Hà Lan thì khuyên rằng "người gác đền" nên đứng lệch sang một bên khoảng 10cm so với vị trí giữa khung thành. Vị trí này sẽ khiến tiền đạo đối phương vô thức sút bóng vào góc rộng hơn của khung thành - một lợi thế đoán đường bóng cho các thủ môn.
"Đi guốc trong bụng"
Việc nghiên cứu các góc sút ưa thích của cầu thủ đối phương cũng như điểm yếu của những người gác đền để chuẩn bị cho loạt "may rủi" cũng vô cùng quan trọng. Việc biết rõ góc sút ưu thích của cầu thủ khiến thủ môn có cơ hội cản phá hiệu quả hơn.
Trong loạt luân lưu trận tứ kết World Cup 2006 giữa Đức và Argentina, thủ môn của "những cỗ xe tăng Đức" Jens Lehmann đã nhận được một mảnh giấy từ huấn luyện viên, trong đó dự đoán chính xác đường bóng của mỗi tiền đạo "Xứ sở Tango". Mảnh giấy này sau đó đã được bán với giá 1,35 triệu USD để làm từ thiện.
Cú sút penalty của trung vệ Juan Guillermo Cuadrado.
Ba giây và 13 giây - khoảnh khắc vàng cho các tiền đạo
Các nhà nghiên cứu cho rằng nếu tiền đạo tung cú sút trong vòng 3 giây sau khi tiếng còi cất lên, anh ta có được tính bất ngờ. Tuy nhiên, nếu cố tình kéo dài thời gian khoảng 13 giây, các thủ môn sẽ có dấu hiệu “lạc lối” trong việc đọc vị đối phương. Tương tự, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoảng cách chạy đà nên chỉ từ 4-6 bước.
Cú penalty hoàn hảo
Nếu muốn thành công với hiệu suất tối đa, các cầu thủ nên đá bóng về góc cao hai bên cầu môn, căn chỉnh tốc độ cú sút từ 90-104 km/h. Nếu sút căng hơn "giới hạn hoàn hảo" trên, bóng dễ đi ra ngoài cầu môn, còn nếu thực hiện với lực nhẹ hơn, thủ môn sẽ có cơ hội cản phá.
Nguồn Báo Tin tức - TTXVN