Trong đó chỉ số nhóm hàng hoá tăng 0,67% (nhóm hàng lương thực-thực phẩm tăng 0,88%, nhóm hàng phi lương thực-thực phẩm tăng 0,41%) và chỉ số nhóm dịch vụ tăng 0,02%. So với cùng kỳ năm trước CPI tăng 5,44% và nếu tính chung 6 tháng đầu năm 2014 CPI tăng 1,69% so với tháng cuối năm 2013.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc
Qua phân tích của các nhà chuyên môn, trong 6 tháng đầu năm nay có 5 tháng CPI tăng và chỉ giảm 1 tháng duy nhất (tháng 3-2014), tuy nhiên mức tăng ở các tháng không vượt quá chỉ số 1% (tháng 1: 0,69%, tháng 2: 0,96%, tháng 4: 0,10%, tháng 5: 0,28%, tháng 6: 0,45%). Các nhân tố chủ yếu làm CPI 6 tháng đầu năm 2014 tăng, đó là do thời gian nghỉ tết Nguyên Đán 2014, nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài, nhu cầu tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ vui chơi giải trí tăng nên giá cả tăng theo. Cụ thể như: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống so với tháng 12-2013, chỉ số tăng ở mức 2,60% chủ yếu là giá lương thực tăng 0,96%; giá thực phẩm tăng 1,18% (chủ yếu giá thịt heo tăng 7,51%, thịt bò tăng 8,68%). Giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng cộng với nhu cầu du xuân đã ảnh hưởng đến tăng giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình làm cho chỉ số nhóm này tăng 9,45%.
Chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá chỉ tăng 1,28%: nhóm này tăng chủ yếu là giá nước giải khát. Nhóm may mặc tăng 2,95%: nhóm này tăng do nhu cầu về sản phẩm may mặc và giầy dép tăng. Nhóm nhà ở và vật liệu liệu xây dựng giảm 0,92%: đây là nhóm giảm duy nhất trong 11 nhóm mặt hàng. Ngược lại, nhóm giao thông tăng 3,34%, đây là nhóm có chỉ số tăng cao nhất trong 11 nhóm mặt hàng. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,20% chủ yếu là giá dịch vụ giải trí tăng 2,74%, giá du lịch trọn gói tăng 7,16% do nhu cầu du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, dịp lễ 30-4 và 1-5 tăng.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,77% chủ yếu là hàng hóa và dịch vụ cá nhân tăng 5,25% do nhu cầu sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 10,42%.
So với tháng 12-2013 chỉ số giá vàng tăng 2,40%, bình quân 6 tháng đầu năm 2014 giảm 16,67% so với cùng kỳ 2013. Cùng thời gian trên, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,34% so với tháng 12-2013 nhưng tăng 0,22% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Hạ Huyền