Những năm 1995, người dân thôn Thái An bắt đầu “du nhập” cây nho về canh tác bên cạnh những cây trồng truyền thống như hành, tỏi, ớt. Ít ai ngờ rằng, ở vùng đất cát ven biển, cây nho vốn “nắng không ưa, mưa không chịu” này lại mang đến nguồn kinh tế mới cho nông dân địa phương. Gắn bó “máu thịt” với giống nho đỏ từ buổi đầu, đối với lão nông Nguyễn Khắc Phòng là cả một quá trình tìm kiếm những cách thức canh tác hiệu quả nhất nhằm giảm chi phí và tăng năng suất.
Giống nho mới NH01-152 đang trồng phổ biến ở Thái An.
Qua gần 20 năm, ông và người trồng nho ở thôn Thái An cảm nhận sâu sắc sự thăng trầm của cây nho qua từng giai đoạn. Lão nông Nguyễn Khắc Phòng cho hay: Lúc bấy giờ, nhiều người ngần ngại không tin là cây nho có thể phát triển ở vùng đất cát này và cho trái “sai” như đất thịt ở Phan Rang hay Ninh Phước. Khi đó, tôi ươm hom nho từ Phan Rang về trồng khoảng 500m2, sau 6 tháng chạy cành thì nho bắt đầu đơm hoa và cho trái vụ đầu tiên. Nhìn thấy giàn nho trái đỏ, căng mọng là tôi biết cây nho thích hợp với thổ nhưỡng của vùng đất cát pha ven biển này. Từ đó đến nay, gia đình tôi đã phát triển được 7 sào trồng nho, cho thu hoạch quanh năm. Trừ chi phí sản xuất, mỗi năm lãi được vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường.
Để thực khách “mắt thấy, tai nghe”, ông Phòng dẫn chúng tôi tham quan rẫy nho của gia đình. Quả thật, con đường từ làng ra vùng sản xuất động cát khó đi là vậy mà hai bên đường, bà con thôn Thái An trồng hành, tỏi, ớt và nhất là nho vẫn tươi xanh. Trên toàn bộ diện tích nho đang canh tác, ông Phòng đều lắp đặt hệ thống tưới phun sương vừa tiết kiệm nước, công lao động nhưng vẫn đảm bảo đủ lượng nước cho cây nho. Đồng chí Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho biết: Vài năm trở lại đây, cây nho giờ đây được xem là loại cây nông nghiệp được ưu tiên số 1 tại địa phương. Nhờ đưa giống nho mới NH01-152 vào sản xuất kết hợp đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nên cây nho có khả năng kháng bệnh, sản lượng đạt cao, ước tính từ 2,5-3tấn/sào trong vụ chính. Chỉ cần mức giá bán ra khoảng 25.000 đồng/kg thì người dân đã thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Nhiều hộ nhờ trồng nho mà trở nên khá giả, đời sống tiện nghi. Hiện nay, nông dân Thái An đang hướng đến việc trồng nho kết hợp với phát triển du lịch, làm tăng thêm giá trị kinh tế của cây nho.
Đến xã Vĩnh Hải hôm nay, người ta có thể thấy bộ mặt nông thôn đang thay đổi từng ngày, trong đó có sự đóng góp lớn từ cây nho. Khách du lịch trong nước và quốc tế về tham quan, nghỉ dưỡng tại Vĩnh Hy, Bình Tiên đều không bỏ lỡ việc ghé thăm những vườn nho xanh mướt để thưởng thức những quả nho tươi và mua về làm quà cho người thân, bạn bè. Với tấm lòng cởi mở, nông dân Thái An luôn chào đón du khách vào thăm vườn nho. Chính vì vậy, không chỉ xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh mà nho Thái An còn phục vụ nhu cầu của khách du lịch khi qua đây.
Dù nghề trồng nho còn khá mới mẻ so với những vùng nho của tỉnh, song nho Thái An đã phát triển nhanh chóng và tạo được tiếng vang riêng nhờ vị ngọt đậm đà kết tinh từ nắng, gió và vị mặn mà của biển không lẫn vào đâu được. Cắm rễ trên vùng đất Thái An, cây nho đã giúp nông dân phát triển kinh tế và mở ra triển vọng mới về loại hình du lịch vườn nho đầy thú vị.
Diễm My