Kết quả đạt được bước đầu đang mở ra triển vọng cho Khánh Hải trở thành điểm đến của loại hình du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Một góc trung tâm đô thị Khánh Hải ngày nay.
Thực tế cho thấy, đến đây khách du lịch không chỉ đắm mình trong làn nước trong xanh của vịnh biển Ninh Chử, mà còn được thưởng lãm các danh lam thắng cảnh khác như: Núi Đá Chồng, di tích núi Cà Đú, đầm Nại. Anh Phan Tiến Đức, một du khách đến từ Đồng Tháp chia sẻ: “Nằm dưới bóng mát của hàng dương bãi tắm Khách sạn Sài Gòn-Ninh Chử, tôi cảm nhận rõ vẻ đẹp của cảnh quan biển núi hùng vĩ, đặc biệt không khí thoáng đãng, trong lành đã làm người khỏe hẳn lên”. Những năm qua, việc cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đã giúp thị trấn Khánh Hải từng bước được chỉnh trang xanh, sạch, đẹp hơn. Ngoài các doanh nghiệp du lịch như Sài Gòn- Ninh Chử, Thái Bình …, địa phương còn có 1.265 cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ (tăng 36 cơ sở so với năm 2011) giúp đổi mới bộ mặt đô thị. Dọc theo đường Yên Ninh và khu vực tiếp giáp khách sạn Sài Gòn-Ninh Chử, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng hình thành quần thể dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, được coi là yếu tố tác động tích cực đến tiến trình phát triển đô thị của thị trấn, bước đầu tạo việc làm mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhờ việc đầu tư nâng cấp tỉnh lộ 704 nối dài với đường Yên Ninh, thiết kế theo tiêu chuẩn giao thông đô thị cấp khu vực với 2 làn xe chạy, đã tạo động lực mới. Đây là con đường có ý nghĩa chiến lược, chẳng những đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá cho nhân dân, mà còn tạo điều kiện phát triển dịch vụ du lịch của tỉnh, đem lại vẻ mỹ quan cho bộ mặt mới của đô thị Khánh Hải. Bên cạnh đó, nhân dân cũng đã đóng góp bê tông kiên cố hóa, nâng cấp hầu hết các tuyến đường chính trong khu dân cư. Đồng chí Phan Văn Cường, Bí thư Đảng ủy thị trấn Khánh Hải cho biết: “Gần đây, với việc quy hoạch khu “tám sào” làm dịch vụ ăn uống (đã phân lô, đấu thầu) dọc bờ biển giáp khu vực Khách sạn Sài Gòn - Ninh Chử và xây dựng công viên biển Khánh Hải diện tích 2,5 ha cũng gần đó đã góp phần cải thiện về hình ảnh và chất lượng dịch vụ phục vụ ở thị trấn, làm tăng nhanh tiến trình xây dựng đô thị du lịch biển”.
Khánh Hải có dân số gần 16.250 người (3.798 hộ) với diện tích tự nhiên 1.080 ha, trong đó có 628 ha đất đã quy hoạch xây dựng đô thị, nhìn tổng quan, kinh tế du lịch đang dần chiếm vị trí quan trọng trong bức tranh kinh tế thị trấn. Trên đường vươn tới trở thành đô thị du lịch tương lai, Khánh Hải đã định hình phát triển theo 3 hướng: Nam, Đông và Tây Bắc. Hướng Nam là khu du lịch nghỉ dưỡng giáp biển Ninh Chử nhằm kết nối giữa đô thị hiện hữu với khu du lịch Bình Sơn - Ninh Chử.
Thắng cảnh núi Đá Chồng- điểm đến du lịch tâm linh ở thị trấn Khánh Hải. Ảnh: Sơn Ngọc
Hướng Đông là khu vực ven lạch Tri Thủy và hướng Tây Bắc bao gồm khu ven đầm Nại phát triển thành khu du lịch sinh thái.
Dựa vào tiềm năng, lợi thế, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng thị trấn trở thành đô thị tương xứng vị thế trung tâm kinh tế- văn hoá- xã hội của huyện đang là mục tiêu quan trọng mà Đảng bộ thị trấn Khánh Hải phấn đấu. Theo đó, đến năm 2015, Khánh Hải sẽ đưa giá trị dịch vụ-thương mại-du lịch chiếm tỷ trọng 52% trong cơ cấu kinh tế. Để đạt mục tiêu đó, trước mắt Đảng bộ, chính quyền thị trấn Khánh Hải đang tăng cường công tác quản lý đô thị, giữ gìn môi trường xanh, sạch hướng đến xây dựng thị trấn thành một đô thị du lịch có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp hấp dẫn du khách.
Bạch Thương