Chiều 30-5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch đã họp với các thành viên Ban Chỉ đạo về tình hình phát triển của ngành Du lịch 5 tháng đầu năm, bàn các giải pháp cụ thể nhằm mở rộng khai thác các thị trường tiềm năng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đặt ra về lượng du khách và doanh thu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng người dân đóng vai trò quan trọng trong tạo dựng môi trường du lịch
Việt Nam an toàn, thân thiện, chất lượng. Ảnh: VGP/Đình Nam
Báo cáo của Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) cho biết, 5 tháng đầu năm 2014, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,75 triệu lượt khách (tăng 26,07% so với cùng kỳ năm 2013), đa số thị trường khách đều tăng so với cùng kỳ năm 2013; khách du lịch nội địa đạt 20,4 triệu lượt khách (tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013); doanh thu từ khách du lịch đạt 109.160 tỷ đồng (tăng 28,0% so với cùng kỳ năm 2013).
Tuy nhiên, phản ánh của đại diện các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội cho biết, trong tháng 5 đã có sự sụt giảm mạnh, đột ngột của khách du lịch từ các thị trường nói tiếng Trung, nhất là Trung Quốc, do những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ tình hình căng thẳng ở Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam. Điều này đang gây khó khăn cho các đơn vị làm dịch vụ du lịch trên địa bàn (khách sạn, nhà hàng). Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho thấy một số DN du lịch Trung Quốc đã bắt đầu sang làm việc để mở lại các tuyến, tour du lịch sang Lào Cai, Quảng Ninh.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương cũng như lãnh đạo Bộ VHTTDL đều thống nhất cần đẩy mạnh khai thác những thị trường khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN (Indonesia, Malaysia), Đông Âu vốn chiếm tỷ trọng lớn trong phân khúc thị trường khách trung, cao cấp... Đồng thời, đẩy mạnh khai thác thị trường khách nội địa thông qua các gói kích cầu, khuyến mại có trọng tâm, trọng điểm.
Thực tế, một số TP lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng đã chủ động triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch các thị trường trên. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở VHTTDL TPHCM Lã Quốc Khánh cho rằng nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ, chuyên nghiệp hơn về quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài cả về cơ chế tài chính lẫn cách thức thực hiện thì hiệu quả xúc tiến sẽ hạn chế.
“Chúng ta nói hội nhập mạnh mẽ về du lịch nhưng cách thức quảng bá, xúc tiến thì vẫn chưa hội nhập khi hết 6 tháng đầu năm ngành Du lịch mới được cấp kinh phí. Việc tìm kiếm thông tin về Việt Nam trên các phương tiện truyền thông nước ngoài cũng rất khó khăn do chưa được quan tâm, chú ý đúng mức, cùng với đó là vướng mắc về thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch nước ngoài”, ông Lã Quốc Khánh nói.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam lưu ý để xúc tiến hiệu quả tại các thị trường trên thì không thể bỏ quên vấn đề chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch.
“Đây vừa là thách thức song cũng là cơ hội để nâng cao khả năng cạnh tranh, uy tín của Du lịch Việt Nam, xứng đáng là điểm đến An toàn-Thân thiện-Chất lượng trong mắt khách du lịch trong nước và quốc tế”, ông Thọ nhìn nhận.
Đồng tình với ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho rằng đây là cơ hội để nhận diện, khắc phục triệt để hơn những hạn chế của Du lịch Việt Nam từ môi trường, năng lực phục vụ, gói sản phẩm du lịch đến đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, đồng thời xác định lại trọng tâm, trọng điểm xúc tiến du lịch.
Hội nghị Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, chiều 30/5. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong tình hình hiện nay, ngành Du lịch cần nhìn nhận, đánh giá hết sức nghiêm túc, thẳng thắn những khó khăn, hạn chế để có nhiều sáng kiến cụ thể nhằm đạt và vượt các mục tiêu đã đặt ra.
Trong đó, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần xem xét, giải quyết ngay từng việc, từng khó khăn vướng mắc cụ thể của các DN cũng như các địa phương liên quan đến phát triển du lịch.
Phó Thủ tướng nêu cụ thể, có những kiến nghị của DN liên quan đến chế độ chính sách, thuế, đất đai... có thể còn mất nhiều thời gian nhưng cũng có những việc giải quyết được ngay, Bộ VHTTDL tháo gỡ, chấn chỉnh được ngay như tình trạng taxi dù, kinh doanh lữ hành lậu... thì phải kiên quyết thực hiện.
Quan trọng hơn, nâng cao chất lượng của Du lịch Việt Nam không chỉ có vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, của các DN du lịch mà chúng ta cần “lôi kéo” được mọi người dân tham gia vào làm du lịch. Một nụ cười thân thiện hay hành động dọn, nhặt rác, giữ gìn vệ sinh môi trường của mỗi người dân cũng chính là góp phần làm tốt du lịch.
Chất lượng của Du lịch Việt Nam được nâng lên không chỉ từ những kế hoạch phát triển to lớn, hoành tráng, mà bắt đầu ngay từ những chi tiết nhỏ để tạo dựng một môi trường du lịch "An toàn-Thân thiện-Chất lượng".
Ghi nhận các kiến nghị của DN du lịch, các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất giải quyết vướng mắc về cơ chế cấp, sử dụng kinh phí xúc tiến du lịch; đơn giản hóa thủ tục xuất, nhập cảnh; cơ chế liên kết, hợp tác phát triển du lịch theo vùng...
Nguồn www.chinhphu.vn