Đặc biệt, nơi đây còn giữ được những nét văn hoá độc đáo của người Raglai để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Với lợi thế đó, VQG Phước Bình là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước.
Trong khu trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào dân tộc Raglai
và Chu-ru ở VQG Phước Bình.
Trải nghiệm cùng thiên nhiên kỳ thú
Từ Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, vượt chặng đường hơn 60km đến với điểm dừng chân lý thú VQG Phước Bình, chúng tôi như bị “hút hồn” trước quang cảnh núi rừng, uốn lượn bên dòng sông Tô Hạp. Không ngoài giới thiệu của bạn bè gần xa, khí hậu Phước Bình phảng phất của xứ sở cao nguyên. Mặc dù là mùa khô hạn nhưng rừng Phước Bình vẫn xanh ngắt và suối nước có phần cạn hơn để lộ những gầm đá khổng lồ. Tiếng dội từ những thác nước hùng vĩ, hòa tiếng chim rừng tạo thanh âm huyền hoặc của núi rừng.
Anh Nguyễn Trung Chiến, cán bộ Phòng Phát triển du lịch- Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng (VQG Phước Bình) đưa chúng tôi tham quan. Qua từng khu vực, anh chậm rãi giới thiệu cho chúng tôi về sinh cảnh chung của VQG và những tên núi, tên suối của Phước Bình. VQG Phước Bình có tổng diện tích 19.814 ha, trong đó có 10.486 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; 8.108 ha phân khu phục hồi sinh thái; 1.090 ha phân khu hành chính, dịch vụ và 11.082ha diện tích vùng đệm. Trong khu vực VQG hình thành 14 kiểu rừng, có 1.322 loài thực vật, 327 loài động vật, nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và danh lục đỏ quốc tế.
Trong quần thể thiên nhiên kỳ thú của mình, VQG Phước Bình đã định hướng một số tuyến du lịch để du khách tham khảo. Chẳng hạn như tuyến du lịch đi bộ dã ngoại suối Đa Nhông- thác Đá Bàn- thác Ba Tầng dài 11km, đưa du khách tìm về thượng nguồn các con suối trong vòng một ngày. Dọc tuyến, du khách sẽ men theo các dòng suối, quan sát một số loài linh trưởng, bướm và tìm hiểu nhiều cây thuốc quý, đặc biệt là mật nhân, cao khai… và cả phong lan. Tuyến đi bộ dài hơn chinh phục thác Đá Đen, thác Hầm Xe Lửa trên vùng hồ sinh thái Đa Mây dài 20km; vượt 18km đường rừng chinh phục hòn Chan ở độ cao 1.400m… Các tour này kéo dài từ 2-3 ngày, địa hình hiểm trở tạo cho du khách cảm giác như được hòa mình vào thiên nhiên, sống cùng thiên nhiên.
Một loại hình du lịch nữa ở Phước Bình đặc biệt dành riêng cho những du khách ưa mạo hiểm là bơi thuyền trên sông Cái. Tour này được VQG triển khai một số lần cho cả khách trong nước và quốc tế. Tuyến này dài 10km đi qua những trạng thái sông với tốc độ dòng chảy khác nhau, cho du khách cảm giác yên bình như đi trong hồ; rồi lao mình qua ghềnh thác, thách thức cùng dòng chảy xiết.
Hướng phát triển du lịch tạo sinh kế cho cộng đồng
Vùng đệm của VQG Phước Bình có cộng đồng nhiều dân tộc sinh sống, nhiều nhất là đồng bào Raglai với bản sắc văn hóa độc đáo, gợi mở hướng du lịch sinh thái kết hợp văn hoá Raglai bản địa. Ông Pi-năng Sơn, Trưởng thôn Bố Lang là người thường xuyên cùng cán bộ VQG hướng dẫn tour cho du khách. Ông Sơn cho hay: Bụng người Raglai hiền hòa. Khách đến tham quan VQG nhiều đoàn về thôn cùng sinh hoạt với người làng. Chúng tôi chơi đàn Cha-pi, khèn hơi, mã la mừng người mới đến và tự hào kể cho du khách nghe về chiến tích bẫy đá Pi-năng Tắc. Khách du lịch còn thích thú với những đồ dùng thủ công do chính tay người Raglai chúng tôi làm từ dây rừng và cây rừng như gùi, nỏ, cung tên, rổ, nia… Các hoạt động liên quan đến du lịch như thế này cũng tạo cho không ít gia đình có thêm nguồn thu nhập.
Hòa cùng nền văn hóa cộng đồng dân tộc Raglai ở Phước Bình.
Ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc VQG Phước Bình cho biết: VQG Phước Bình có thể tổ chức rất nhiều hoạt động du lịch sinh thái-cộng đồng như tham quan rừng nguyên sinh, tắm nước suối trong xanh; du thuyền trên suối ngắm cảnh; đi bộ tham quan rừng với sự hướng dẫn của người dân địa phương; ngủ qua đêm tại nhà sàn của đồng bào; thưởng thức các món ăn địa phương; tìm hiểu các hoạt động văn hoá, sản xuất, đời sống người bản địa; đi bộ hoặc đạp xe đạp qua các bản làng; thăm và khám phá những nét có một không hai trong văn hoá của người Raglai-Chu ru. Chính điều này tạo động lực để cộng đồng dân cư ở Phước Bình cùng tham gia phát triển các dịch vụ du lịch, phát triển kinh tế, tăng thu nhập từ các sản phẩm du lịch.
Để tạo bứt phá trong du lịch, VQG Phước Bình đã đầu tư cơ sở lưu trú với 15 phòng (2-3 giường/phòng) phục vụ nhu cầu nghiên cứu của chuyên gia và nghỉ dưỡng cho du khách; nhà trưng bày các tiêu bản động vật, thực vật quý hiếm sinh sống trong các khu rừng của VQG; khu trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào các dân tộc bản địa. Đồng thời, thành lập một Trung tâm giao dịch về du lịch và dịch vụ du lịch đặt tại Văn phòng VQG Phước Bình nhằm chủ động đón khách du lịch.
Trong hướng thúc đẩy kinh tế du lịch, VQG Phước Bình còn tạo lập nhiều sinh kế cho cộng đồng địa phương, với quan điểm chia sẻ lợi ích cùng người dân vùng đệm để thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên môi trường. Trước mắt, VQG sẽ tập huấn cho một nhóm người địa phương tham gia hướng dẫn các tour sinh thái-văn hóa-lịch sử, trải nghiệm văn hóa cộng đồng; liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào Raglai và Chu-ru; bảo tồn và phát triển nghề làm thuốc của người địa phương, đưa sản phẩm cây thuốc trở thành đặc sản du lịch phục vụ du khách…
Có thể thấy rằng, phát triển du lịch sinh thái dựa trên các thế mạnh về rừng, về cộng đồng bản địa kết hợp các tour, tuyến du lịch khác trong tỉnh đã tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính đặc thù của VQG Phước Bình. Nhờ đó, những năm gần đây, lượng khách đến với VQG Phước Bình tăng nhiều hơn. Trong năm 2013, VQG Phước Bình đón gần 600 khách trong nước và quốc tế cùng hàng trăm lượt khách trong tỉnh. Riêng trong dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, đã có trên 350 khách du lịch chọn VQG Phước Bình làm điểm dừng chân tham qua, nghỉ dưỡng.
Gần đây, Phước Bình càng được biết đến nhiều hơn khi VQG Phước Bình đang “sở hữu” đàn bò tót và bò tót lai trên 10 con. Khách vãng lai có người ví tìm về Phước Bình là tìm về xứ sở bò tót! Thiên nhiên kỳ thú đã tạo nét riêng cho sức hút của du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa cộng đồng ở VQG Phước Bình. Và như vậy, Ninh Thuận tự hào có thêm một địa chỉ “đỏ” trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Diễm My