Khắc phục tình trạng sử dụng nhà công vụ không đúng đối tượng, sai mục đích
Về chính sách phát triển nhà ở công vụ (mục 3 Chương III), dự thảo Luật quy định: Nhà nước đầu tư xây dựng quỹ nhà ở công vụ hoặc mua, thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ. Quỹ nhà ở công vụ bao gồm nhà ở công vụ của trung ương và nhà ở công vụ của địa phương. Nhà ở công vụ được dùng để bố trí cho các đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ theo quy định của Luật này để thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác.
Thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ định hướng phát triển nhà ở công vụ ngay trong Luật để tránh việc phát triển phiến diện, chỉ bó hẹp đối tượng được thuê, cấp nhà ở công vụ như hiện nay. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng định hướng phát triển nhà cho thuê đối với mọi đối tượng thực hiện công vụ, chứ không nên đặt vấn đề chỉ bao cấp cho một số đối tượng nhất định.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng). (Ảnh: dangcongsan.vn)
Nhấn mạnh thời gian qua, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ còn nhiều bất cập đã dẫn đến tình trạng sử dụng nhà công vụ không đúng đối tượng, sai mục đích hoặc nhiều người không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được ở nhà công vụ, gây dư luận không tốt trong xã hội, cử tri cho rằng, chính sách này chưa bảo đảm công bằng xã hội.
Phân tích về chính sách phát triển nhà công vụ trong Luật Nhà ở, dễ dàng nhận thấy, nhà công vụ hiện nay thực chất là bao cấp cho một số ít đối tượng với giá rẻ, đại biểu (ĐB) Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt câu hỏi: “Tại sao trong khi số đông cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhu cầu thực sự thì không được đáp ứng? Số cán bộ trẻ đang công tác tại Hà Nội rất lớn nhưng thử hỏi, họ đã được hưởng lợi gì từ chính sách công vụ chưa? Tại sao chúng ta không tiếp cận vấn đề phát triển nhà công vụ nhằm hướng tới mọi đối tượng thực hiện công vụ , thay vì chỉ phục vụ cho một số đối tượng nhất định?”.
Theo ĐB Trần Ngọc Vinh, trường hợp ngân sách chưa đáp ứng được yêu cầu này, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉ nên quy định đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Các đối tượng còn lại nghiên cứu theo hướng khoán đưa tiền lương, vừa tiết kiệm chi phí, vừa chấm dứt tình trạng biến tướng nhà công vụ chuyển thành nhà cá nhân...
Ngoài ra, ĐB Trần Ngọc Vinh đề nghị: Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi Điều 35, Khoản 2, Điểm c dự thảo Luật quy định về nghĩa vụ của người thuê nhà công vụ: “Không được chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc cho mượn, cho thuê lại nhà ở” bởi cho rằng, quy định như trên còn thiếu trong trường hợp, nếu họ thế chấp hoặc thừa kế thì sẽ như thế nào?.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị: Cần quy định chặt chẽ đối tượng, chính sách nhà ở công vụ, tránh tình trạng biến tướng, biến nhà “công” thành của “tư”.
Chỉ ra việc xây dựng nhà công vụ chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) đề xuất: Không nên phát triển nhà công vụ tràn lan, phải chứng minh được hiệu quả của việc Nhà nước sử dụng tiền thuế của dân thế nào và nghĩa vụ của người sử dụng nhà công vụ.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị: Công khai quy định đối tượng được hưởng nhà công vụ, đi theo đó là chế độ được hưởng như: Bao nhiêu m2, giá thuê (nếu có)... nhằm tạo sự công khai, minh bạch.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) lại tỏ ra băn khoăn: Người sử dụng nhà công vụ, trên thực tế có quyền sở hữu nhà ở hay không?.
Cần thống nhất đối tượng được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
Liên quan đến quy định về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai (Điều 144), Dự thảo quy định: Chủ đầu tư các dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc thế chấp nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn phát triển nhà ở, nhưng phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng mua bán, cho thuê mua nhà ở cho khách hàng. Đối với tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của chủ đầu tư cũng được quyền thế chấp nhà ở để vay vốn cho phát triển nhà ở.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: Quy định này cần phải nghiên cứu một cách thấu đáo hơn nữa xuất phát từ thực tiễn quản lý hiện nay. Quy định như vậy nhưng rất dễ dẫn đến tình trạng cả hai đối tượng cùng thế chấp một nhà ở trong dự án xây dựng. Bởi vì, người mua khó có thể biết được chủ đầu tư đã giải chấp đối với nhà ở mà chủ đầu tư đã bán. Ở góc độ quản lý, khi nhà ở còn nằm trên giấy thì quản lý nhà nước không biết được lịch sử của căn nhà, không biết chủ đầu tư bán cho bao nhiêu người.
Tỏ ra băn khoăn về quy định trên, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) dẫn chứng, trong khi điều kiện của nhà ở tham gia giao dịch lại không bắt buộc có quy định về văn bản giải chấp hoặc văn bản chứng minh nhà ở hình thành trong tương lai được mua bán là chưa được thế chấp, thì “ rất dễ xảy ra tình trạng cả hai đối tượng cùng thế chấp một nhà ở”.
Mặt khác, một số ý kiến cho rằng: Quy định tại Điều 68 của dự thảo Luật còn cho phép huy động vốn cho phát triển nhà ở đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đầu tư phát triển nhà ở. Như vậy, nếu có quy định về điều kiện giải chấp trước khi bán nhà ở trong dự án thì có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà vì sẽ khó được ký hợp đồng mua bán nhà ở mà chỉ là hợp đồng góp vốn. Vì vậy, để góp phần bảo đảm ổn định thị trường nhà ở, hạn chế tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường nhà ở, đề nghị cần quy định cụ thể việc góp vốn và phân biệt rõ hai hình thức huy động vốn và mua bán nhà ở hình thành trong tương lai.../.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam