Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Căn cước công dân. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Thảo luận về Dự án Luật Căn cước công dân, các đại biểu tập trung vào tính khả thi của Dự án luật này; cơ sở dữ liệu căn cước công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân, đặc biệt là quy định thẻ căn cước công dân sẽ thay thế cho chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu; thẩm quyền, trình tự thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.
Về số định danh cá nhân, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, đây là vấn đề không chỉ của Dự án Luật Căn cước mà còn cả Dự án Luật Hộ tịch. Hiện đã có địa phương triển khai cấp mẫu chứng minh nhân dân 12 số, cơ quan soạn thảo Dự án Luật Căn cước công dân cũng dự kiến mã hóa dữ liệu và gắn chức năng định danh cho 12 số này, với mục tiêu không trùng lặp, không tràn số trong 500 năm. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, Dự thảo quy định thay thế chứng minh nhân dân 9 số bằng chứng minh nhân dân 12 số sẽ gây xáo trộn và lãng phí lớn. Chỉ xét riêng về mặt kỹ thuật, việc tăng từ 9 lên 12 số phải tốn tài nguyên lưu trữ, làm chậm tốc độ truyền dẫn và xử lý dữ liệu. Đại biểu Phạm Trọng Nhân phân tích: Với 9 số của chứng minh hiện nay, chỉ đơn giản là hợp nhất lại ở các địa phương chúng ta có gần 1 tỷ đầu số. Trong khi đó theo tờ trình của Chính phủ mới cấp hơn 68 triệu. Với tốc độ tăng dân số hiện nay, kho số này chí ít cũng dùng được hơn 400 năm. Vì vậy, Quốc hội cần được nghe một lời giải trình mang tính khoa học thuyết phục hơn. Về mặt xã hội, việc thay đổi này sẽ tạo một sự xáo trộn lãng phí vô cùng lớn. Bỏ đi 68 triệu chứng minh cũ với những mối quan hệ đã thiết lập chằng chịt lan tỏa trong toàn xã hội là một việc làm cần được cân nhắc. Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Phạm Trọng Nhân kiến nghị: Dừng cấp chứng minh nhân dân 12 số và tiến hành hợp nhất toàn quốc kho chứng minh nhân dân 9 số hiện nay.
Về cơ sở dữ liệu công dân, đại biểu Đỗ Trọng Niễn (đoàn Bình Thuận) cho rằng: Dự thảo có quy định, cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư được xác lập từ 2 nguồn gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công dân trực tiếp đi khai báo khi đến làm thẻ căn cước công dân là chưa khoa học. Theo đại biểu Đỗ Trọng Niễn, xác định như vậy chưa ổn, công tác chuẩn bị chưa thật sẵn sàng. Cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có nghĩa là lấy cái có sẵn, cập nhật khi công dân đến làm thẻ công dân có nghĩa là lấy cái có sau, cái mới như vậy có thể sẽ có những thông tin sai lệch không thống nhất với nhau giữa 2 nguồn cung cấp thông tin. Vậy, đâu được xác định làm nguồn chính xác để làm căn cứ, giải quyết mâu thuẫn này ra sao, đề nghị cần phải được làm rõ. Giải pháp tốt nhất theo tôi, đẩy nhanh hơn nữa quá trình xây dựng để hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi ban hành luật.
Đồng tình với quan điểm này, một số đại biểu kiến nghị cần thay đổi mô hình, cách làm thủ công trước đây, chỉ xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia duy nhất về căn cước và hộ tịch, giao trách nhiệm quản lý nhà nước cho 1 Bộ duy nhất tiến hành cập nhật và đồng bộ dữ liệu hộ tịch vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong hệ thống này, mỗi công dân sẽ có một mã số để xác định các dữ kiện căn cước và sự kiện hộ tịch của công dân đó trong suốt cuộc đời… Chính 2 hệ thống này không thể tách rời nên có ý kiến đề nghị nhập Luật Căn cước công dân trở thành 1 chương của Luật Hộ tịch để đảm bảo tính thống nhất.
Liên quan đến quy định trong Dự thảo về việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi, nhiều đại biểu cho rằng cần cân nhắc kỹ vấn đề này để tránh lãng phí. Theo đại biểu Đặng Thị Kim Liên (đoàn Yên Bái), trẻ dưới 14 tuổi đặc điểm nhận dạng chưa ổn định, chưa phải chịu trách nhiệm về hình sự và trong các giao dịch nhân sự cũng cần có cha mẹ, người giám hộ làm đại diện. Trong khi đó, Điều 3 Dự thảo quy định, thẻ căn cước công dân là thẻ định dạng riêng cho công dân; trong đó 2 yếu tố định dạng bên ngoài là hình ảnh và vân tay là căn bản, nhưng lại không được ghi vào thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi. Như vậy, chưa tạo sự thống nhất cho Dự thảo luật và gây phiền hà cho công dân. Đại biểu Đặng Thị Kim Liên cho rằng: Việc cấp thẻ căn cước cho công dân khi sinh ra là thêm thủ tục cho công dân, tạo sự tốn kém không cần thiết. Dự thảo luật quy định đủ 14 tuổi thì đổi cấp lại thẻ, bổ sung định dạng bằng hình ảnh và vân tay. Với những lý do nêu trên cho thấy, thẻ căn cước công dân cấp cho trẻ dưới 14 tuổi không đảm bảo được phân biệt với người khác, vậy mục đích dự thảo luật định hướng đến đối với cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi là gì đề nghị cần làm rõ. Đại biểu Đặng Thị Kim Liên cho rằng: Nên quy định theo hướng, trẻ sinh ra bên cạnh đăng ký khai sinh vẫn đăng ký thông tin vào cơ sở dữ liệu đến khi đủ 14 tuổi sẽ cấp thẻ đầy đủ với định dạng cá nhân như quy định của dự thảo luật.
Bên cạnh đó, vẫn còn có những ý kiến khác nhau về tên gọi của Luật là Luật Căn cước công dân hay Luật Chứng minh thư nhân dân; nên hay không nên ghi nhóm máu về thời điểm cập nhật nhóm máu trên thẻ căn cước công dân./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam