Quốc hội thông qua Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi)

Với 79,52% tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành, chiều 19/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

 Chiều 19/6, Quốc hội thông qua Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi). (Ảnh: dangcongsan.vn)

Với 10 chương, 133 điều Luật quy định về chế độ hôn nhân và gia đình; chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình.

Điểm mới cơ bản của Luật này là bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (từ Điều 94 đến Điều 100).

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết: Do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này. Kết quả có 59,1% (237/401) đại biểu tán thành với việc quy định vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), 39,9% (160/401) đại biểu không tán thành bổ sung quy định này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự thảo Luật thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng nhu cầu làm cha mẹ chính đáng của các cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (khoản 22, Điều 3). Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đa số đại biểu về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, quy định cụ thể điều kiện, nội dung thỏa thuận, quyền, nghĩa vụ các bên chặt chẽ để ngăn ngừa việc mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Có ý kiến đề nghị sửa tại Điều 97 “Việc mang thai hộ không tính vào số lần mang thai, sinh con khi thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình” hoặc “Việc sinh con do mang thai hộ không tính vào số con theo chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình”; quy định quyền của người mang thai hộ yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con; đề nghị bỏ đoạn “trong trường hợp có khó khăn về bảo đảm sức khỏe sinh sản”; cân nhắc quy định “người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản....” đối với phụ nữ nông thôn. Tiếp thu ý kiến đại biểu, các khoản 3, 4 và 5, Điều 97 đã được chỉnh sửa như dự thảo Luật. Về việc hưởng chế độ thai sản, dự thảo Luật đã quy định người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản “theo quy định của pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội”.

Trước ý kiến đề nghị bổ sung tại Điều 95 “trong trường hợp không có người thân thích cùng hàng thì có thể nhờ người khác mang thai hộ”, đồng thời quy định cụ thể “độ tuổi phù hợp”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một nội dung mới nên cần quy định chặt chẽ về các điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, trong đó có điều kiện người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng để ngăn ngừa tình trạng thương mại hóa việc mang thai hộ. Độ tuổi của người mang thai hộ sẽ được Chính phủ quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học. Do vậy, xin Quốc hội cho giữ như quy định tại dự thảo Luật.

Một nội dung khác nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội và người đồng giới thời gian qua là Nhà nước có thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính hay không?. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) mới được thông qua đã quy định không cấm hôn nhân đồng giới, nhưng Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính (khoản 2, Điều 8).

Có ý kiến đề nghị bổ sung Chương quy định về việc đăng ký sống chung giữa những người cùng giới tính, bỏ cụm từ “Nhà nước không thừa nhận” và sửa lại nội dung “Chung sống giữa hai người cùng giới tính không gọi là hôn nhân”, Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho biết: Tại khoản 2, Điều 8 về điều kiện kết hôn đã quy định rõ Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nên quan hệ chung sống này không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

Về độ tuổi kết hôn (điểm a, khoản 1, Điều 8), một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành hoặc bổ sung từ “đủ” đối với cả nam và nữ; một số ý kiến đề nghị quy định độ tuổi kết hôn đối với nữ là “từ đủ mười tám tuổi trở lên”; có ý kiến đề nghị quy định độ tuổi kết hôn của cả nam và nữ là “từ đủ hai mươi tuổi trở lên”.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định từ “đủ” đối với cả nam và nữ để bảo đảm sự thống nhất trong cách tính độ tuổi với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đối với nữ, quy định từ đủ 18 tuổi trở lên là phù hợp với pháp luật dân sự và tố tụng dân sự. Do đó, điểm a, khoản 1, Điều 8 của dự thảo Luật được sửa đổi như sau: “Nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên”.../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam