Một vấn đề nhận được sự quan tâm của các đại biểu là quy định cấp giấy khai sinh cho công dân ngay từ khi sinh ra theo Dự thảo Luật. Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật Căn cước công dân cũng quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân ngay từ khi sinh ra thay vì thời điểm công dân đủ 14 tuổi như trước đây.
Về vấn đề chưa thống nhất giữa Luật Hộ tịch và Luật căn cước công dân giữa việc cấp giấy khai sinh, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng Ban soạn thảo cần phối hợp thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau...
Theo ĐB Huỳnh Văn Tính, giấy khai sinh là giấy tờ đầu tiên, có giá trị pháp lý rất quan trọng, giấy khai sinh với đầy đủ các thông tin về nhân thân vừa làm cơ sở cho việc cấp phát các giấy tờ khác của cá nhân về sau, vừa có ý nghĩa như giấy thông hành cho trẻ em phục vụ cho việc đi lại. Vì vậy, ở độ tuổi dưới 14 tuổi các đặc điểm của trẻ em chưa ổn định, trong khi theo pháp luật Việt Nam hiện nay cấp giấy chứng minh nhân dân từ đủ 14 tuổi, độ tuổi này bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự.
Mặt khác, Điều 30 Luật quốc tịch Việt Nam quy định miễn thủ tục xác minh về nhân thân đối với người dưới 14 tuổi. Do đó, cấp thẻ căn cước công dân cho người đủ 14 tuổi trở lên là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, về lâu dài để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, ĐB đề nghị khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng xong và chính thức đi vào vận hành thì khi đăng ký khai sinh, công chức tư pháp, hộ tịch nhập thông tin khai sinh của công dân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh cá nhân và ghi vào sổ hộ tịch, trích lục khai sinh.
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Đồng quan điểm trên, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng cấp giấy khai sinh hoàn toàn khác với bản chất của cấp căn cước, không thể cấp căn cước công dân thay giấy khai sinh, vì đây là nội dung rất quan trọng của quản lý hộ tịch, là căn cứ gốc, cơ sở cấp các giấy tờ khác cho công dân. “Dù sau này có thể cấp thẻ căn cước công dân nhưng giấy khai sinh vẫn phải giữ” - ĐB Xuyền nói. Đồng thời, đề nghị quy định rõ trong Dự thảo Luật trách nhiệm các cơ quan trong việc điều chỉnh các giấy tờ khác phải theo giấy khai sinh.
Đồng tình với việc duy trì việc cấp giấy khai sinh, ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) nêu rõ, giấy khai sinh có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với cuộc đời của một công dân, hàm chứa rất nhiều thông tin cơ bản liên quan đến cuộc đời một con người cụ thể. “Riêng về mối quan hệ giữa đăng ký hộ khẩu, giấy khai sinh và thẻ căn cước v.v... sẽ được giải quyết trong Luật căn cước công dân” - ĐB Dũng nói.
Tuy nhiên, ĐB Phạm Thị Mỹ Ngọc (Ninh Bình) lại bày tỏ sự nhất trí với quy định cấp thẻ căn cước công dân ngay từ khi công dân sinh ra, góp phần đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân khó làm giả, đồng thời phù hợp với xu hướng hiện đại trong quản lí nhà nước về dân cư như nhiều quốc gia đã thực hiện.
Dẫn chứng các quy định tại Điều 3, Điều 20 của Luật căn cước công dân bao gồm thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhân dạng của công dân; ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, quê quán, nơi đăng kí thường trú, vv... sẽ được tích hợp vào dữ liệu quốc gia, ĐB Ngọc cho rằng những thông tin ở thẻ căn cước có thể hoàn toàn sử dụng trong việc cấp phát các giấy tờ khác của cá nhân như hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu, văn bằng, chứng chỉ, vv... mà không cần quy định nội dung đăng kí khai sinh.
"Thay bằng khai sinh chúng ta nên chuyển bằng thẻ căn cước công dân cho trẻ. Đây là một bước đột phá về thủ tục và hiện đại hóa trong quản lý dân cư", ĐB Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) nhận định.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) lại tỏ ra băn khoăn: “Nếu như chúng ta xây dựng cấp số định danh cá nhân từ khi khai sinh, có nghĩa là chúng ta cũng phải tiến tới kéo đường truyền cáp quang cho đến hơn 10 ngàn xã và trang bị, thiết bị khác, liệu thời gian hơn một năm nữa chúng ta có triển khai kịp về con người, về cơ sở vật chất, hay không?”.
Về thẩm quyền đăng ký hộ tịch tại Khoản 2, Điều 5 dự thảo Luật quy định việc giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đăng ký việc khai sinh, kết hôn, giám hộ, cha, mẹ, nuôi con nuôi, khai tử có yếu tố nước ngoài. Hiện tại thẩm quyền này do Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện.
Theo ĐB Lù Thị Lừu (Lào Cai) việc giao cho cán bộ tư pháp cấp huyện thực hiện nội dung như dự thảo khó có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Phân tích hiện nay phòng tư pháp cấp huyện số cán bộ rất ít, chỉ có từ ba đến bốn cán bộ nhưng phải đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Mặt khác, việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài hồ sơ rất phức tạp, giấy tờ do cơ quan thẩm quyền cấp bằng tiếng nước ngoài qua các nước hợp pháp hóa lãnh sự mới có giá trị pháp lý để đăng ký hộ tịch tại Việt Nam. Việc này đòi hỏi cán bộ hộ tịch phải có trình độ ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu của công việc. ĐB đặt câu hỏi: Vậy liệu trình độ ngoại ngữ của cán bộ tư pháp cấp huyện hiện nay có đáp ứng được yêu cầu hay không?.
ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cũng cho rằng nên giữ ở cấp tỉnh để Sở Ngoại vụ, gắn với Sở Tư pháp xác minh, Sở Công an lưu trữ hồ sơ, xác minh nhân thân người nước ngoài ở các tỉnh sẽ phù hợp hơn.../.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam