1. Bé và các bạn trong Trường Tiểu học lại nô nức chuẩn bị các hoạt động “chiến sỹ nhỏ góp sức cùng biển, đảo”... Năm nào cũng vậy, Bé luôn mong làm một điều gì đó có ích để Ba, Mẹ, Thầy, Cô, các bạn vui lòng. Từ khi Bé được các anh lãnh đạo Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh của Đoàn trường thông tin về ý nghĩa của Tháng hành động Vì trẻ em để kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6); Bé đã thuộc lòng những lời chúc của Bác Hồ vào dịp chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên ở Việt Nam (1-6-1950): “Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được vui sướng...”. Bé và các bạn chỉ nhìn thấy Bác qua những ảnh chân dung trên bàn thờ Tổ quốc ở nhà trường, ở gia đình, trong các buổi chào cờ, meeting (mít-tinh)... Hình ảnh một ông cụ có đôi mắt sáng, long lanh cười, có vầng trán thông minh, có nụ cười nhân hậu, có chòm râu ông tiên luôn ngự trị trong tâm hồn của Bé. Bằng sự nỗ lực, chăm chỉ, Bé luôn đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”. Bé vui, hân hoan, rộn ràng cùng các bạn tham gia đợt phát động “chiến sỹ nhỏ góp sức cùng biển, đảo” thì bỗng nhiên buổi sáng hôm ấy, buổi sáng mà Bé không thể quên... cả trường long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Thầy Hiệu trưởng đã thông báo nhanh tình hình Biển đông, từ ngày 2-5-2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế thuộc lãnh hải Việt Nam... Theo hướng dẫn của lãnh đạo Đội Thiếu niên tiền phong Đoàn trường, cả lớp chào cờ khác hẳn trước đây, các bạn xếp hàng thành hình đất nước Việt Nam; Bé và một số bạn được đứng trong hàng xếp hình đảo Hoàng Sa và đảo Trường Sa. Thầy Hiệu trưởng nhiều lần nhắc nhở, kêu gọi các em thể hiện lòng yêu nước bằng đạo lý, truyền thống tốt đẹp, yêu hòa bình; kiên quyết chống ngoại xâm nhưng không manh động. Bé đã thấy một số bạn khẳng khái “Uýnh cho bọn nó biết mặt”... về lớp các bạn đã nhốn nháo “ đúng là kẻ xấu, quân xâm lược”; Cô giáo nhiều lần ôn tồn “ Các em chú ý! Chúng ta chỉ nên dùng từ “không tốt”, không nên nói “kẻ xấu”. Đâu đó trong lớp vẫn có tiếng nói:
- Thưa cô, bọn đó là kẻ xấu...
- Thưa cô, bọn đó là kẻ cực kỳ xấu!
2. Không bằng lòng với những bạn lên án kẻ xấu nhưng cũng chưa “tâm phục, khẩu phục” với hai từ “không tốt”; Bé tự tìm hiểu về ngày 1-6 và vỡ lẽ “thảo nào”... thông tin mà Bé biết được là sáng ngày 1-6-1942, bọn Phát-xít Đức đã bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc) bắt 173 đàn ông, 196 phụ nũ và trẻ em; chúng đã tàn sát dã man 66 người, đưa 104 trẻ em vào trại tập trung, có 88 em bị chết trong các phòng đầy hơi độc, 9 em khác bị đưa làm tay sai cho bọn phát-xít. Hai năm sau, vào ngày 10-6-1944, phát-xít Đức lại bao vây thị trấn Ô- ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em đã bị chúng phóng hỏa đốt cháy thảm thương.
Năm 1949, Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế quyết định lấy ngày 1-6 là ngày Quốc tế bảo vệ trẻ em... Bé cũng biết, từ tháng 8-1925, Hội nghị thế giới vì hạnh phúc trẻ em tại Giơ-ne-vơ Thụy Sỹ đã tuyên bố ngày 1-6 là Ngày Quốc tế Thiếu nhi. Bé tìm hiểu bài thơ “NAM QUỐC SƠN HÀ”, Bé lại biết Mùa xuân năm 981, Vua Lê Đại Hành của nước Việt (lúc đó là Đại Cồ Việt) đã lãnh đạo quân, dân đánh thắng đám quân xâm lược nhà Tống, giết chết tướng giặc là Hầu Nhân Bảo... Bé cũng biết được Điều 59 của Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 quy định cơ sở giải quyết các tranh chấp trong trường hợp Công ước không quy định rõ các quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế. Thảo nào mà thầy hiệu trưởng, cô giáo đều khuyên học sinh phải bình tĩnh, tôn trọng các nguyên tắc luật pháp quốc tế, phải lấy ổn định, hoà bình là chính và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhưng không được manh động. Những gì Bé biết được cùng với những thông tin về Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam năm 2012; Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã giúp Bé hiểu được vì sao cô giáo khuyên Bé và các bạn nên dùng hai từ “không tốt”. Bé tình nguyện xin cô giáo cho Bé được trình bày với các bạn về những gì Bé nhận biết. Bé không ngờ mình trở thành người hùng biện có sức thu hút, cả lớp vỗ tay khi Bé kết thúc phần trình bày của mình “Thưa các bạn, được xếp hàng thể hiện đảo Hoàng Sa, mình thấy ấm lên lòng tự hào dân tộc, truyền thống đấu tranh khôn khéo, kiên quyết, dũng cảm chống giặc ngoại xâm... Mình có cảm giác về sự đồng lòng của cả nước hướng về biển, đảo. Mình có niềm tin con số 981 là số không tốt đối với Trung Quốc. Đó là con số mà họ sẽ thất bại.
3. Sau thành công của buổi thuyết trình, Bé đã nghĩ tới là mình và các bạn phải cần có thêm những hành động thiết thực và cụ thể để thể hiện lòng tự hào dân tộc, yêu Tổ quốc, yêu hòa bình… Bé đã suy nghĩ và đề nghị:
- Các bạn ơi! Chúng ta hãy viết thư cho các bạn nhỏ Trung Quốc nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi để cùng kêu gọi những người “không tốt” ấy hãy rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng lãnh hải Việt Nam.
Các bạn nhỏ đã đồng thanh trả lời:
- Đồng ý! Đồng ý
Mỗi bạn một ý đã góp thành lá thư dài hơn hai trang, thể hiện ý chí của các em, thiếu nhi, con người Việt Nam là luôn bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển, đảo. Những người “không tốt” hãy rút giàn khoan Hải Dương-981 và chấm dứt hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam để trẻ em thế giới ổn định, hoà bình…
Bé lại cùng các bạn viết thư kêu gọi các anh, các chú, những công dân Việt Nam phải bình tĩnh, từ bỏ những hành động không tốt, hãy dồn sức cho sản xuất, góp quỹ vì biển, đảo và thư gửi các anh đang canh giữ biển, đảo cho Tổ quốc. Các bạn và Bé hãy tỏ niềm hy vọng các anh sẽ dõng dạc bài thơ thần “NAM QUỐC SƠN HÀ” trên Biển Đông để những người “không tốt” kia sớm từ bỏ ý đồ xâm lấn, để biển, đảo quê hương được bình yên…
Phạm Văn A