Khoảng giữa năm 2012, anh Thắng đã sử dụng hơn 70 triệu tiền vốn tích góp của gia đình, mạnh dạn mua 7 con heo rừng giống (một con đực và 6 con nái) từ Đồng Nai về để nuôi thử nghiệm.
Anh Phú Quốc Thắng đang chăm sóc đàn heo rừng của gia đình.
Thời gian đầu, do chưa nắm được kỹ thuật nuôi nên anh gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc, điều trị bệnh cho heo. Lứa heo con đẻ lần đầu đều bị chết. Không nản chí, anh tiếp tục tìm tòi và bổ sung các kiến thức cho mình, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, nên sau khi thả nuôi được một vài lứa đã mang lại hiệu quả đáng mừng. Anh cho biết: Sau khi heo con được một tuần tuổi thì cần chích bổ sung chất sắt, một tháng tuổi thì cho heo con tập ăn thức ăn tinh. Ngoài việc chủ động lựa chọn được con giống tốt, khoảng sân vườn rộng rãi để đảm bảo điều kiện nuôi "bán hoang dã" thì nguồn thức ăn rau, củ quả tự nhiên, cũng như việc tiêm phòng dịch bệnh, bổ sung dưỡng chất cho heo là những điều hết sức quan trọng để mô hình nuôi heo rừng có thể đem lại hiệu quả cao.
Ưu điểm loại heo rừng là nhờ hấp thụ những chất bổ dưỡng từ nguồn thức ăn tự nhiên nên thịt nhiều nạc, mềm, ít mỡ, lớp da dày nhưng không dai. Giá bán mỗi kg thịt heo rừng cao hơn, nên mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại dễ dàng trong việc tìm nguồn tiêu thụ. Một con heo nái trưởng thành mỗi năm cho khoảng 2- 3 lứa đẻ. So với heo nhà, heo rừng có sức đề kháng tốt hơn, thức ăn cũng đơn giản hơn. Nếu được chăm sóc kỹ lưỡng, trung bình mỗi lần sinh từ 5- 8 con. Trong vòng một năm, trọng lượng tối đa một con có thể đạt được là từ 30- 35 kg. Tháng 8 năm trước, anh Thắng xuất bán ra thị trường 20 con với trọng lượng mỗi con khoảng 25 kg sau 7 tháng nuôi, với giá bán 150 ngàn/ kg. Sau khi trừ đi chi phí anh thu lãi trên 50 triệu đồng.
Anh Thắng cho biết thêm: “Đầu ra” của heo rừng nuôi tương đối ổn định. Trong thời gian tới anh tiếp tục nhân rộng số lượng heo giống lên thành đàn, tạo thêm thu nhập cho gia đình.
Nguyễn Tuyến