Mặc dù mô hình mới được triển khai đầu tiên tại tỉnh ta nhưng bước đầu đạt được hiệu quả tích cực cả về kinh tế lẫn môi trường.
Năng suất lúa bình quân trong mô hình vùng nguyên liệu gạo sạch đạt 75-80 tấn/ha.
Là cánh đồng được hưởng lợi trực tiếp từ nguồn nước kênh Nam, mặt khác hầu hết nông dân ở xã Phước Hữu có trình độ canh tác cây lúa cao, biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ vậy, ngay từ khi triển khai 50 ha lúa theo mô hình sản xuất vùng nguyên liệu gạo sạch, bà con nhanh chóng nắm bắt và áp dụng đúng quy trình. Sản phẩm gạo sạch phải đảm bảo các tiêu chí: không có dư chất bảo vệ thực vật, không có chất bảo quản độc hại và không bị nấm mốc. Theo đó, 53 nông hộ tham gia mô hình “Vùng nguyên liệu sản xuất gạo sạch” phải dùng giống lúa TH6, T41, tiết kiệm lượng giống gieo sạ 100 kg/ha, giảm lượng nước tưới, giảm 18,4 kg/ha phân đạm và quan trọng là giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật 2 lần/vụ, để hạt gạo sau khi thu hoạch đảm bảo “sạch”. Qua đó, mỗi vụ bà con tiết kiệm chi phí đầu vào 1,1 triệu đồng/ha. Nhằm giúp người dân nắm rõ quy trình sản xuất, trong quá trình thực hiện mô hình, Chi cục Bảo vệ thực vật thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về quy trình sản xuất gạo sạch, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” nên năng suất lúa trong mô hình cao hơn 500 kg/ha so với ruộng đối chứng. Toàn bộ sản phẩm đã được Công ty TNHH Jimmy Hung Anh Food mua theo giá hợp đồng, cao hơn giá thị trường 500 đồng/kg.
Dưới cái nắng gay gắt của những ngày đầu tháng 5, vừa thu hoạch xong ruộng lúa nhà mình, ông Châu Văn Tho, thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu vui mừng chia sẻ: Vụ đông-xuân năm nay, gia đình tôi có trên 3 ha thực hiện mô hình vùng nguyên liệu sản xuất gạo sạch, năng suất bình quân đạt 75-80 tạ/ha, với giá bán 5.800 đồng/kg, gia đình thu lãi 7 triệu đồng/ha. Vụ mùa tới, gia đình tiếp tục đăng ký thực hiện mô hình này.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, nhiều nông hộ còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất và chưa quan tâm đến việc thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng đúng nơi quy định. Để khắc phục tình trạng này, Chi cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang đầu tư 6 triệu đồng xây dựng 4 hố chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật xung quanh mô hình để nông dân bỏ chai, lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Ngoài ra, để nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất gạo sạch và bảo vệ môi trường, Công ty tổ chức tuyên truyền và ra quân thu gom rác thuốc bảo vệ thực vật. Trong vòng 3 tháng, Công ty tổ chức 1 buổi tuyên truyền thu hút 100 người tham gia và 2 đợt ra quân với trên 200 người tổ chức thu gom 50kg bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng xung quanh cánh đồng đem đi tiêu hủy an toàn.
Ông Huỳnh Kiều Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hữu cho biết: Thời gian tới, chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục duy trì, mở rộng từ 100-200 ha sản xuất theo hướng “gạo sạch” trên địa bàn xã. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức nông dân trong việc bảo vệ môi trường nông thôn, bảo đảm thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống gia đình.
Mặc dù còn nhiều khó khăn và mới mẻ đối với nông dân, nhưng mô hình “Vùng nguyên liệu sản xuất gạo sạch” bước đầu đã đạt được hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Nguyễn Lê, Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Mô hình “Vùng nguyên liệu sản xuất gạo sạch” là hướng đi mới giúp nông nghiệp tỉnh ta phát triển bền vững, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái. Đặc biệt, mô hình giúp nông dân giải quyết được bài toán “đầu ra”, không bị thương lái ép giá nhờ sự liên kết “4 nhà”, theo đó toàn bộ sản phẩm được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn thị trường từ 10-20%.
Mỹ Dung