* Sự kiện:
- Ngày 17-5-1958: Hoàn thành ngôi nhà sàn nơi Bác Hồ ở và làm việc. Ngôi nhà sàn tại Phủ Chủ tịch do kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh thiết kế. Nơi đây, Bác Hồ đã sống và làm việc trong 11 năm. Tầng dưới ngôi nhà là nơi Bác thường họp với Bộ Chính trị. Tại đây có 3 máy điện thoại, cạnh đó còn úp một chiếc mũ sắt bộ đội. Cửa cầu thang lên gác có chiếc chuông đồng nhỏ để báo cho Bác khi khách đến thăm.Tầng trên của nhà sàn có 2 phòng nhỏ: phòng làm việc và phòng ngủ. Ở phòng ngủ có chiếc giường gỗ để mộc, 1 bàn gỗ nhỏ và chiếc tủ con đặt cạnh đầu giường. Đồ dùng hàng ngày của Bác gồm có: 2 chiếc quạt (1 quạt giấy và 1 quạt lá cọ), chiếc phích nhỏ, 1 chai nước nguội, chiếc cốc thuỷ tinh, chiếc chổi tre, 1 cái rađiô và một chiếc quạt điện. Hiện nay, các tài liệu và hiện vật ở ngôi nhà này vẫn được giữ nguyên như những ngày Bác còn sống và làm việc.
- Ngày 17-5-1961: Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Quế Lâm, đi Nam Kinh (Trung Quốc). Tại Nam Kinh, Người đến viếng mộ Tôn Trung Sơn, nhà cách mạng dân chủ Trung Hoa. Vãn cảnh Thái Hồ ở Vô Tích, xúc cảm trước cảnh bao la kỳ thú của Thái Hồ, Người làm bài thơ chữ Hán: “Vịnh Thái HồTây Hồ bất tỷ Thái Hồ mỹ, Thái Hồ cánh tỷ Tây Hồ khoan.Ngư chu lai khứ chiêu dương noãn,Tăng đạo mãn điền, hoa mãn san”. Bản dịch: của Khương Hữu DụngTây Hồ khôn sánh Thái Hồ đẹp,Thái Hồ rộng vượt Tây Hồ xa.Thuyền cá đi về trong nắng sớm,Ruộng đầy dâu lúa, núi đầy hoa.
- Ngày 17-5-2008: Trường Bưởi - Chu Văn An kỷ niệm 100 năm thành lập. Trường THPT Chu Văn An được thành lập năm 1908 với tên gọi “trung học bảo hộ” hay còn gọi là trường Bưởi. Năm 1945 trường mang tên danh sư Chu Văn An.Sinh thời, Bác Hồ đã 5 lần đến thăm Trường Chu Văn An. Bác nhấn mạnh, nhiệm vụ của học sinh là phải học tập, để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnhĐến nay, với lịch sử 105 năm, các thế hệ thầy trò Trường Bưởi - Chu Văn An đã phát huy truyền thống hiếu học, yêu nước của Thăng Long - Hà Nội. Phấn đấu để ngôi trường luôn là nơi nuôi dưỡng những tài năng và lòng yêu nước, truyền thống dạy và học tiêu biểu nhất của nền giáo dục Việt Nam, biểu tượng đẹp của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.
* Nhân vật:
- Ngày 17-5-1916: Ngày mất nhà yêu nước Thái Phiên. Thái Phiên, hiệu Nam Xương, sinh năm 1882, ở làng Nghệ An, huyện Hoà Vang, nay thuộc thành phố Đà Nẵng. Ông tham gia phong trào yêu nước, chống thực dân Pháp ở miền Trung. Ông vận động thanh niên xuất dương du học, ủng hộ Duy Tân hội của Phan Bội Châu. Thái Phiên đã cùng Trần Cao Vân lãnh đạo vận động khởi nghĩa năm 1916 và mời vua Duy Tân tham gia khởi nghĩa chống Pháp. Việc bại lộ, Thái Phiên và Trần Cao Vân bị giặc Pháp bắt và sát hại vào ngày 17-5-1916, tại thành phố Huế. Tên ông đã được đặt cho nhiều trường học và đường phố ở một số tỉnh, thành trong cả nước.
- Ngày 17-5-1916: Ngày mất nhà thơ, nhà yêu nước Trần Cao Vân (hiệu Bạch Sĩ). Trần Cao Vân sinh năm 1866, quê ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bước vào tuổi thanh niên, ông bắt đầu tham gia cách mạng. Trong quá trình hoạt động, ông nhiều lần bị địch bắt vào ngục (ngục Phú Yên, ngục Bình Định, ngục Quảng Nam, ngục Côn Đảo). Năm 1915, ông tham gia Việt Nam Quang phục hội và cùng với Thái Phiên trở thành 2 nhân vật chủ chốt trong cuộc khởi nghĩa năm 1916. Kế hoạch bị bại lộ, ông và Thái Phiên bị địch sát hại.Trần Cao Vân sáng tác một số thơ chữ Hán và chữ Nôm nói lên chí hướng và hoài bão của ông cùng những quan niệm về nhân sinh, về vũ trụ. Các tác phẩm chính: “Côn Lôn cảm tác”, “Côn Lôn phong cảnh ca”, “Thơ tuyệt mệnh”. Tên ông được cho một con đường ở Đà Nẵng.
Theo TTXVN