Tham dự Diễn đàn có khoảng 200 đại biểu, gồm lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam của Trung Quốc, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Campuchia, và Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lào, Myanmar, Tổng lãnh sự 5 nước ASEAN tại Nam Ninh cùng nhiều chuyên gia, học giả, hiệp hội và doanh nghiệp ASEAN và Trung Quốc. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường dẫn đầu, tham dự Diễn đàn.
Diễn đàn đã tập trung trao đổi về việc triển khai hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng trong 8 năm qua, cách thức gắn kết hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng với việc triển khai sáng kiến của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc về “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, đồng thời đi sâu thảo luận về đổi mới tài chính, đầu tư, phát triển công nghiệp, hợp tác công nghiệp xuyên biên giới, hợp tác cảng biển và xây dựng mạng lưới vận tải trong khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc và các nước ASEAN triển khai hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng đề nghị các nước cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực ưu tiên như cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, giao lưu nhân dân…, đặc biệt là huy động vốn và nguồn tài trợ cho các dự án trọng điểm trong khuôn khổ hợp tác này. Trước tình hình Biển Đông gần đây, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu duy trì sự ổn định chính trị và xây dựng, củng cố môi trường thuận lợi cho hoà bình, hợp tác cần dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước tham gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Phát biểu của đại diện lãnh đạo Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương Trung Quốc và tỉnh Quảng Tây đề cao quan hệ đối tác ASEAN - Trung Quốc trong chính sách ngoại giao láng giềng và đi sâu cải cách và mở cửa toàn diện, cũng như việc cụ thể hoá ý tưởng về phục hưng “Con đường tơ lụa trên biển” hiện nay của Trung Quốc. Nhiều ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng đồng thuận, thuyết phục ASEAN và các nước liên quan về tầm quan trọng, lợi ích của “Con đường tơ lụa trên biển” trong việc duy trì hoà bình, ổn định và phát triển, nỗ lực vì thập kỷ kim cương, vì cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc.
Theo TTXVN