Những ngày qua, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 vào sâu thềm lục địa Việt Nam 80 hải lý, với khoảng 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đã trắng trợn vi phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc một bên tham gia ký kết cùng ASEAN. Sự vi phạm trắng trợn của Trung Quốc càng làm tình hình Biển Đông căng thẳng hơn khi các tàu Trung Quốc còn hung hăng bắn vòi nước, đâm húc thẳng vào các tàu dân sự, tàu công vụ của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.
Đông đảo bà con người Việt tại Cộng hòa Séc biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc.
Trong lúc này, Việt Nam hết sức kiềm chế, bày tỏ thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang ra khỏi vùng biển của Việt Nam; kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế. Ngược lại, phía Trung Quốc vẫn hành xử theo ý muốn của mình khiến tình hình căng thẳng gia tăng, bất chấp sự phản đối của nhân dân Việt Nam, và cả sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 24, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định ý chí, tình cảm của toàn thể nhân dân Việt Nam trước việc Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền Việt Nam, thách thức dư luận quốc tế với việc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981. Các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí: Hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan tại vùng biển Việt Nam là” diễn biến nghiêm trọng nhất trong vài thập kỷ qua, đe dọa hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông”. ASEAN “ủng hộ và đánh giá cao thái độ kiềm chế, cách ứng xử văn minh, mềm dẻo nhưng kiên quyết, hợp lý hợp tình, thể hiện truyền thống hòa hiếu của Việt Nam”. Thể hiện sự đồng thuận và mạnh mẽ hơn bao giờ hết, ASEAN đã đưa ra Tuyên bố chung Nay Pyi Taw (Nây Pi Đô) và Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 24, cùng với Tuyên bố riêng về Biển Đông (lần đầu trong 20 năm qua) của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hiệp hội đã phát đi thông điệp cứng rắn về hành động ngang ngược của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế về chủ quyền của một nước thành viên ASEAN. Các tuyên bố được sự đồng tình của cả 10 nước ASEAN, trong đó không nhiều nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, càng khẳng định sự đoàn kết và thống nhất.
Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng lần đầu chính thức bày tỏ quan điểm về Biển Đông, kêu gọi “kiềm chế tối đa”, và giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Giôn Ke-ri) gọi hành động của Trung Quốc là “hiếu chiến” và “đặc biệt gây quan ngại”. Nhật Bản yêu cầu Trung Quốc làm rõ lý lẽ đưa giàn khoan tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam… Nhiều ý kiến nhận định: Đây là bước đi mới và nghiêm trọng nhất trong mưu toan của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông. Những hành động như vậy vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và chỉ càng làm tổn hại hình ảnh Trung Quốc… Khẳng định sai lầm trong cách hành xử của Trung Quốc- một cường quốc thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, cũng như quyền hợp pháp của nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
PV