Tháp đèn Mũi Dinh chỉ cao 16 m khiến nhiều người cảm thấy “ông già” nhỏ nhắn hơn so với những tháp đèn khác. Tuy nhiên, nhờ được xây dựng trên ngọn núi nên tổng chiều cao tính từ tâm đèn đến mực nước biển là 186 m (so với hải đăng Kê Gà (Bình Thuận) có tháp đèn cao 35 m, tổng chiều cao so với mực nước biển là 65 m; hải đăng Vũng Tàu có tháp đèn cao 18 m, từ tâm đèn đến mặt nước biển là 188 m). Hải đăng Mũi Dinh phát tín hiệu đèn chớp trắng 2+1 (hai đèn liền nhau phía trước và một đèn phía sau, hợp thành hình chữ Y), xoay tròn theo chu kỳ 20 giây. Tầm nhìn đèn trong điều kiện thời tiết tốt là 26 hải lý, tương đương với 48 km.
Hải đăng Mũi Dinh.
Dù đã 110 tuổi nhưng những phiến đá của tháp đèn vẫn còn nguyên sự chắc chắn, vững chãi, như thách đấu với thời gian và sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Đi theo những bậc thang hình xoắn ốc trong tòa tháp cổ, chúng tôi được đặt chân lên vị trí của “mắt” đèn, nhìn ngắm cả một vùng trời biển bao la trải dài trước mặt mũi Dinh. Đường chân trời hòa quyện giữa màu trời và màu nước xanh ngắt. Từ đây có thể nhìn rõ tàu thuyền ngược xuôi qua đoạn biển này. Những con sóng trắng gợn lên nhẹ nhàng như bông hoa lấm tấm trôi trên mặt biển.
“Mũi Nậy bảy bị còn ba Mũi Dinh chín bị không tha bị nào”
Câu ca dao nói đến sự trắc trở khi ghe thuyền vượt biển khu vực này, được chính ông Phạm Văn Cơ, Trạm trưởng Trạm hải đăng Mũi Dinh giải thích cho chúng tôi. Là người gắn bó gần 30 năm cuộc đời với ngọn hải đăng này, ông Cơ không chỉ tường tận “ngôi nhà đèn” của mình mà còn là một “cựu” dân chài lưới, nói chuyện biển không thua kém ai. Chỉ cho chúng tôi một mỏm đá nhỏ tung bọt trắng xóa xung quanh, ông Cơ kể: “Đó là hòn Đá Ông. Sở dĩ có tên như vậy là vì trước đây, ở vị trí đó hay xuất hiện cá Ông (tức cá voi, dân miền biển gọi một cách thành kính là Ông Nam Hải). Ông về ở rất lâu, có khi cả tháng trời. Những năm gần đây không thấy cá Ông xuất hiện nữa.”
Là một người con của làng biển Sơn Hải, ông Cơ có một thời gian cũng theo các ghe tàu đánh cá, đến năm 1985 thì chuyển lên “nhà đèn”, cùng với anh em giữ ánh sáng báo hiệu cho tàu thuyền hoạt động an toàn. Thế nhưng, sự hào hứng của ông khi kể lại những lần đi đánh bắt cá như một lão ngư kể lại những chuyến phiêu lưu vượt đại dương. “Hồi còn trên tàu cá, tôi từng nhìn thấy Ông Sứa, một loại cá “vua” có màu da đốm hoa rất đẹp. Cá dài bằng chiếc ghe, nhưng cái miệng thì nhỏ xíu. Tích xưa kể rằng, ngày trước Ông Sứa miệng rộng, nuốt cả người nên bị trời phạt, khâu miệng lại. Dân chài lưới mà gặp thì phải năn nỉ Ông đi, sợ Ông làm rách lưới”, ông kể. Xen giữa câu chuyện, ông Cơ chỉ những bãi, vũng xung quanh. Từ trên “đài quan sát” này của hải đăng, chúng tôi vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp vừa tham gia một chuyến du lịch kỳ thú qua lời giới thiệu của Trạm trưởng Cơ. “Hàng năm, lượng du khách đến Mũi Dinh rất nhiều. Đi theo kiểu phượt 5, 7 người cũng có, theo đoàn của các cơ quan, đơn vị cũng không ít, đặc biệt là thanh thiếu niên tổ chức về nguồn, kết hợp tham quan. Đón khách nhiều nên chúng tôi cũng “rành” hướng dẫn du lịch luôn. Ở đây có bãi Tràn, bãi Đá Trứng, bãi Đá Nhà là những điểm tuyệt vời để phát triển du lịch sinh thái.”
Không phải ngẫu nhiên mà Mũi Dinh nằm trong danh sách những hải đăng được dân phượt yêu thích nhất. Phải chinh phục một đồi cát “sa mạc” là thử thách không nhỏ với bất cứ ai muốn tiếp cận “ông già” này. Từ trên đường ven biển (hiện đang thi công), ngọn núi Mũi Dinh lởm chởm đá và cây bụi chỉ cách một dải cát vàng mịn dưới nắng tươi, nhưng vượt qua nó là cả một vấn đề không nhỏ. Người nào khỏe sức thì băng bộ qua, nhưng những ai muốn “thử cảm giác mạnh” thì có thể thuê xe ôm địa phương đưa qua đồi cát. Bánh xe máy được xả bớt hơi và điều khiển bằng đôi tay mạo hiểm chạy trên cát sẽ là trải nghiệm khiến người đi nhớ mãi. Vượt đồi cát, đường lên hải đăng còn phải qua một con dốc cao dựng ngược và uốn lượn theo triền núi đá hoang vu. Tuy khó khăn, nhưng đó cũng là điểm hấp dẫn mọi người nhất! Bởi lẽ phần thưởng cho hành trình trúc trắc này là khung cảnh tuyệt đẹp của trời biển, thiên nhiên trong lành và sự mến khách của “gia chủ”
Bảo Bình