(NTO) Anh bạn tôi đã rất chí lý khi nói rằng: Nếu muốn biết một địa phương phát triển hay không hãy nhìn vào “nhịp sống” của thức ăn đường phố!. Có dịp đi nhiều nơi, từ thị tứ, thị trấn đến thành phố... tôi đã “ngộ” ra điều đó. Không đâu xa, ngay tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, điều dễ nhận biết đó là “đời sống” của thức ăn đường phố ngày càng “bung” ra, từ chỉ vài con đường quen thuộc dăm năm trước đây nhiều người dân thường hay đặt cho tên “con đường ăn uống” thì vài năm trở lại đây đã phát triển theo cấp số nhân với đa dạng “chủng loại” thức ăn luôn được người bán cập nhật, bổ sung mới để vừa cạnh tranh giá cả, mặt hàng vừa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của thực khách. Tất nhiên, so với các nhà hàng, tiệm ăn... thức ăn đường phố luôn chiếm ưu thế bởi giá cả phải chăng lại tiện ích, tha hồ lựa chọn món ăn hợp khẩu vị theo “phương châm”: ngon-bổ-rẻ!
Người tiêu dùng mua thực phẩm an toàn tại Siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc
Đó mới là nhìn bề nổi và với nhiều thực khách dễ tính mà đa phần là người có thu nhập từ vừa đến thấp. Tất nhiên vẫn có không ít “đại gia” nhưng thói quen vẫn ưa thức ăn đường phố hơn là tại các nhà hàng sang trọng. Theo khuyến cáo của ngành y tế, thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và cả tiềm ẩn lây lan các bệnh truyền nhiễm, tác hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các điểm bán thức ăn đường phố ít, nhiều đều vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như điểm bán, trang bị dụng cụ chưa hợp vệ sinh khi bày bán hàng, tiêu chuẩn sức khỏe của người chế biến, bán hàng... Nguy hiểm hơn đó là nguyên liệu để chế biến thực phẩm. Như đã nói ở trên, để khai thác yếu tố cạnh tranh về giá hầu hết người bán hàng đều chọn nguyên liệu giá rẻ, chất lượng thấp. Đó là chưa nói đến trường hợp có hộ kinh doanh mua nguyên liệu đã hư, thối như nội tạng gia súc, gia cầm rồi dùng hóa chất làm sạch để chế biến bán cho thực khách, chuyển từ “ung thư đạo đức” kinh doanh của chủ hàng sang nguy cơ ung thư cho người tiêu dùng!
Có thể nói thức ăn đường phố chẳng khác nào “ma trận” nên rất khó hướng vào “quỹ đạo”, vừa quy củ lại vừa bảo đảm các quy định của nhà nước về loại hình kinh doanh này. Bởi lẽ khó có thể phân biệt đâu là người làm ăn chân chính, biết vì sức khỏe khách hàng và uy tín; đâu là kiểu buôn bán “chụp giật” chỉ biết thu lợi nhuận cao mà đánh lừa và xem nhẹ sức khỏe người tiêu thụ, “lộ” chỗ này lại chạy sang nơi khác làm ăn...! Trong khi đó cơ quan chức năng chỉ kiểm tra theo ...”phong trào”, theo đợt hoặc đến khi có sự cố ngộ độc thậm chí chết người mới tổ chức kiểm tra như đã từng xảy ra trên đại bàn tỉnh. Nói như vậy để thấy rằng giải quyết “vấn nạn” thức ăn đường phố không dễ. Cho nên nhân “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm” năm nay với chủ đề “An toàn thức ăn đường phố” điều chúng tôi muốn nói đó là các hộ kinh doanh loại hình này cần quan tâm hài hòa giữa lợi nhuận với chú trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, ngượi lại người tiêu dùng hãy lựa chọn nơi có uy tín, vệ sinh... bằng chính sự “thông thái” nhất của mình để sử dụng.
Hạ Huyền