Nhân "Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm" (15-4 đến 15-5-2014):

Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong kinh doanh, sử dụng thức ăn đường phố

(NTO) Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có gần 3.000 cơ sở, dịch vụ ăn uống. Trong quý I, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đã tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra 874 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 163 trường hợp không đạt các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Một trong những loại hình dịch vụ khó quản lý, có nguy cơ cao dẫn đến ngộ độc thực phẩm đó là thức ăn đường phố.

Thức ăn hè phố - nguy cơ tiềm ẩn

Với nhiều ưu điểm như: tiện lợi, giá cả bình dân, chủng loại phong phú… thức ăn đường phố ngày càng phổ biến, có mặt ở mọi nơi, mọi lúc từ vùng nông thôn cho đến chốn đô thị đông đúc và trở thành nhu cầu của nhiều người dân. Dạo quanh trên địa bàn Tp.Phan Rang- Tháp Chàm, trên các vỉa hè các tuyến phố hầu như đều có hàng quán kinh doanh đồ ăn, thức uống, từ xe bán bánh mì, cho đến hàng bún, cơm, phở, sinh tố… Tuy nhiên, qua quan sát dễ dàng nhận thấy nhiều hàng quán ăn, điểm bán hàng không bảo đảm các quy định kinh doanh thức ăn đường phố như: Không có khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn chín, đồ uống bảo đảm vệ sinh; không có dụng cụ xúc, gắp thực phẩm sạch sẽ hoặc găng tay sử dụng 1 lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn chín; không có dụng cụ, túi đựng chất thải, rác thải kín và hợp vệ sinh; giá/bàn để bày bán thức ăn không đủ độ cao theo tiêu chuẩn (theo quy định phải cao cách mặt đất ít nhất 60cm)… Những yếu tố này chính là nguyên nhân làm thức ăn bị nhiễm khuẩn có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng.

 
Nhiều quán ăn đường phố không thực hiện đầy đủ quy định về VSATTP.

Ghé vào một hàng bán bún bò, giò trên đường Nguyễn Trãi, chúng tôi hết sức e ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm nơi đây. Toàn bộ thức ăn như: bún, thịt đã nấu chín, thịt bò sống được để trong những chiếc thau nhỏ đặt liền kề nhau. Việc chế biến, lấy thức ăn cho khách đều được chị chủ thực hiện bằng tay trần, không hề đeo găng tay sử dụng một lần. Do khách khá đông, để kịp phục vụ, chiếc khăn dùng để lau tô, chén sạch được chị chủ thuận tay lau luôn mặt bàn và thớt cắt thịt. Hàng chục chiếc tô, muỗng, đũa sau khi thu dọn từ bàn ăn được rửa qua nước xà phòng và tráng lại chỉ một lần trong chiếc thùng nước khoảng 20 lít, nhìn kỹ vẫn thấy cả lớp mỡ loáng trên mặt nước. Dưới chân bàn, ghế, giấy vệ sinh rơi vãi khắp nơi…

Trước cổng Bệnh viên Đa khoa tỉnh, lâu nay tồn tại hơn chục hàng quán “vỉa hè” bày bán đủ loại đồ ăn, thức uống phục vụ nhu cầu của khách hàng, chủ yếu là bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Hầu hết hàng quán được dựng lên bởi vài miếng tôn tạm bợ cùng một số bộ bàn ghế cũ. Thực phẩm được bày bán không được che đậy cẩn thận. Còn có nhiều loại thức ăn, như: bắp, xôi được đựng trong chiếc rổ hay thùng nhựa bày bán ngay sát lề đường, không tránh khỏi bị bám bẩn bởi khói, bụi khi xe cộ đi qua…

Theo quy định, ngoài các yêu cầu về hạ tầng cơ sở, người kinh doanh thức ăn hè phố phải được tập huấn, được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ. Thực phẩm chế biến phải có hóa đơn chứng thực nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, khi được hỏi về những quy định này, các chủ quán đều tỏ ra “ngơ ngác”. Chủ một hàng phở trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Vợ chồng tôi bán phở ở đây mấy năm nhưng có ai hỏi hay nhắc nhở phải đi khám sức khỏe hay tập huấn gì đâu. Với lại, tôi chỉ làm ăn buôn bán nhỏ, tiền mướn chỗ bán mỗi ngày mất mấy chục ngàn đồng rồi, lấy đâu ra tiền mà mua tủ kính đựng thức ăn!”.

Trong khi ý thức của người kinh doanh còn hạn chế, thì người tiêu dùng tỏ ra “dể dãi”, chưa thực sự quan tâm đến việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn để bảo đảm sức khỏe của chính mình. Chị Nguyễn Thị Hằng (Phan Rang- Tháp Chàm) cho biết: Buổi chiều đi làm về mệt, cả nhà thường kéo nhau đi ra hàng quán vỉa hè ăn tối, vừa tiện, vừa mát, vẫn biết là ăn uống tại các hàng quán không bảo đảm vệ sinh như ở nhà. Để yên tâm, tôi chọn những hàng quán quen, trông có vẻ sạch sẽ, ít người, xe cộ qua lại hạn chế bụi bặm là được”.

Anh Thập Phú Cường, nhân viên thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố gặp nhiều khó khăn. Những người kinh doanh loại dịch vụ này chủ yếu là dân lao động, kinh tế khó khăn, vốn ít, buôn bán nhỏ lẻ, không có điều kiện đầu tư đầy đủ dụng cụ bán hàng theo đúng quy định, nay đây mai đó, nên rất khó quản lý, cũng như thực hiện các biện pháp chế tài”.

Nâng cao nhận thức của người kinh doanh thức ăn đường phố

Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thức ăn đường phố, Bộ Y tế đã lấy chủ đề cho Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm năm nay (diễn ra từ 15-4 đến 15-5- 2014) là “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố”. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Tháng hành động, yêu cầu các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các chợ đầu mối, bếp ăn tập thể, đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố tại các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện… trên địa bàn quản lý. Đặc biệt, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố sẽ tổ chức cho 100% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các trường hợp vi phạm sẽ được xử lý nghiêm nhằm góp phần tích cực nâng cao ý thức, trách nhiệm của người kinh doanh đối với công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thức ăn đường phố.

Như vậy cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói chung và thức ăn đường phố nói riêng trong Tháng hành động Vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người kinh doanh trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.