CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Vui - buồn quanh chuyện rượu, bia!

(NTO) “Không sử dụng rượu, bia trong ngày làm việc” đã trở thành “khẩu hiệu” hành động tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước nhằm chấn chỉnh giờ giấc, hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức… Theo tìm hiểu của chúng tôi, kết quả mang lại rõ ràng là rất tốt, được nhiều người đồng tình. Tuy nhiên, qua câu chuyện này cũng “nảy sinh” nhiều trạng thái tâm lý khác nhau!

Mới đây có dịp đi dự hội thảo báo chí tại Huế, trong chương trình có tiệc chiêu đãi của lãnh đạo thành phố này vào buổi trưa và có lẽ để các đại biểu “thông cảm”, Ban tổ chức đã “tế nhị” ghi thêm vào giấy mời là “không có rượu, bia”. Ban tổ chức còn giải thích thêm là Tp. Huế triệt để thực hiện điều này. Lâu nay hầu hết các cuộc tiệc chiêu đãi dù lớn hay nhỏ đều không thể thiếu vắng chất “cay” để làm tăng thêm sự hào hứng và cũng là “cơ hội” để dễ làm quen, kết thân với nhau tựa như người xưa thường nói “miếng trầu là đầu câu chuyện” vậy. Còn ở đây lại không “tuyệt đối” mà ít ra cũng nên “ngoại lệ” bởi chiêu đãi toàn là đại biểu nhiều tỉnh, thành khác nhau! Một số đại biểu phàn nàn. Đúng là “buồn” khi cuộc tiệc chỉ có nước khoáng trong khi “mồi” khá phong phú. Không có tiếng cụng ly lách tách, không có tiêng hô “zô...zô” mạnh mẽ, có phần ồn ào đúng hơn là quá ồn ào trong buổi tiệc, không kéo quá dài thời gian do sự “kích thích” hưng phấn của bia, rượu… như chúng tôi thường chứng kiến. Và … không gian thật yên ắng với trên trăm người dự tiệc. Nhiều người bạn cùng bàn với chúng tôi chỉ ăn qua loa và không vui thốt: - Ăn uống kiểu này chán chết! Lại cũng có ý kiến tán thành: - Buổi trưa đãi tiệc mà không rượu, bia thì tốt quá, có lợi cho sức khỏe, ít tốn kém cho “gia chủ”…

Thế đấy, thay đổi thói quen của con người không dễ. Bao nhiêu năm rồi quá quen thuộc với rượu, bia khi tiếp khách dù trong hay ngoài giờ làm việc. Khổ nỗi đã có “chút men" thì hào hứng và kết quả rất logic là “say”, nếu không thì cũng lâng lâng, mà đã thế thì không thể tỉnh táo, trí tuệ để xử lý tốt công việc, thậm chí sẽ là hình ảnh “không đẹp” nếu là cán bộ, công chức ở cơ quan công quyền khi tiếp xúc với nhân dân.

Đối với tỉnh ta, tuy chưa thực hiện rốt ráo nhưng qua câu chuyện này các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức thiết nghĩ cũng đáng để suy ngẫm!