Trường Mẫu giáo Phước Ninh được thành lập vào tháng 4-2011, tách ra từ Trường Mẫu giáo Phước Nam. Những ngày đầu, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Trường có 2 điểm trường ở thôn Vụ Bổn và thôn Hiếu Thiện, trong đó 3 lớp học ở điểm trường Hiếu Thiện phải học nhờ tại trụ sở Ban quản lý thôn. Trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học còn thiếu, giáo viên hầu hết đều là người từ địa phương khác đến nhưng trường lại không có nhà công vụ…. Trước những khó khăn đó, xác định vai trò, trách nhiệm của một cán bộ quản lý, cô giáo Lâm Tố Ngọc một mặt động viên tập thể giáo viên, công nhân viên cùng nỗ lực cố gắng, mặt khác trăn trở, tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho cả cô và trò.
Cô giáo Lâm Tố Ngọc.
Không trông chờ, ỉ lại vào nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, cô Ngọc cùng với Ban Giám hiệu nhà trường đã chủ động đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, vận động các tổ chức, doanh nghiệp và phụ huynh có điều kiện chung tay cùng nhà trường khắc phục khó khăn. Với sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của cô giáo Lâm Tố Ngọc, từ năm 2011 đến nay, Trường Mẫu giáo Phước Ninh đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh với tổng giá trị trên 500 triệu đồng. Trường đã có thêm 2 phòng học mới đưa vào sử dụng; có tường rào, sân chơi lát gạch, nhà bếp hợp vệ sinh; trang thiết bị phục vụ dạy học tương đối đầy đủ, cơ bản đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ. Trường lớp khang trang, sạch đẹp, đội ngũ giáo viên tâm huyết yêu nghề… từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ đã tạo niềm tin cho cha mẹ yên tâm gửi con đến trường. Nhờ đó, năm học 2013-2014, công tác huy động trẻ ra lớp đạt 100%, xã Phước Ninh vừa được công nhận Phổ cập giáo dục mầm non trẻ dưới 5 tuổi.
Giờ sinh hoạt của cô và trò Trường Mẫu giáo Phước Ninh. Ảnh: Nguyễn Tuyến
Là một người hết lòng vì việc trường, nhưng ít ai biết rằng, bản thân cô gia đình cũng khó khăn. Người con thứ 2 là cháu Nguyễn Chí Dũng năm nay 16 tuổi bị bệnh bại não từ lúc 4 tuổi, đi lại khó khăn nên mọi hoạt động, sinh hoạt cá nhân hầu như phải nhờ vào mẹ. Để vừa trọn vẹn vai trò của người vợ, người mẹ, vừa làm tốt chức trách, nhiệm vụ công tác, cô giáo Ngọc phải sắp xếp thời gian biểu khoa học, hợp lý. Cô chia sẻ: Trong công việc chuyên môn cũng như cuộc sống đời thường, tấm gương đạo đức Bác Hồ chính là một động lực để mình vượt qua mọi khó khăn. Tôi học tập theo nhân cách, nhớ những lời căn dặn của Bác và liên hệ thực tế với bản thân mình. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người cán bộ quản lý thì trước hết phải là một người phụ nữ, người mẹ, người vợ đảm đang của gia đình. Muốn xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực thì trước hết cán bộ quản lý phải là người biết gần gũi, yêu thương học sinh, tạo niềm tin cho đồng nghiệp, phụ huynh quý trọng, xứng đáng là một đảng viên.
Có thể nói việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Trường Mẫu giáo Phước Ninh đã thật sự lan rộng, mang ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi giáo viên, công nhân viên nhà trường. Hình ảnh Bác Hồ kính yêu cũng được các cô giáo mầm non lồng ghép đưa vào những câu chuyện kể cho các cháu trở thành những bài học đầu tiên về tình yêu thương và nhân cách con người.
Bích Thủy