Đó là các ông: Nguyễn Hữu Đức, Hoàng Văn Thịnh, Nguyễn Văn Đĩnh. Ông Đức nhớ lại, trong giờ phút oanh liệt chiến đấu với quân thù tại cứ điểm A1, do vũ khí, khí tài của thực dân pháp hiện đại, số lượng hơn gấp nhiều lần, phòng thủ trong công sự kiên cố vững chắc nên nhiều đồng đội của ông đã hy sinh dưới làn đạn của quân thù. Mặc dù hiểm nguy, thương tiếc đồng đội, ông và những người còn lại đã anh dũng xông lên tiêu diệt địch. Đơn vị của ông đã góp phần làm nên chiến thắng của toàn chiến dịch, giành độc lập tự do cho quê hương đất nước.
Các chiến sỹ Điện Biên Phủ năm xưa ôn lại truyền thống nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn, đơn vị công binh của ông Thịnh trong trận đánh đồi A1 có nhiệm vụ phá hàng rào dây thép gai, đánh bộc phá vào các mục tiêu quan trọng của địch. Đơn vị của ông đã phá hủy hàng nghìn mét hàng rào, phá rỡ mìn và tiêu diệt nhiều mục tiêu hỏa lực, chỉ huy của địch. Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đầy cam go ác liệt, dưới làn mưa bom, bão đạn của giặc, ông Thịnh là người may mắn sống sót cho đến giờ phút chiến thắng ngày 7/5/1954.
Kỷ niệm không quên trong chiến đấu tại cứ điểm đồi A1 của ông Đĩnh là trong thời khắc khốc liệt của trận đánh, hầm trú ẩn và đường hào của đại đội ông bị sập, ông và một số đồng đội phải lùi lại để tránh thương vong và chuẩn bị cho đợt tấn công tiếp theo thì gặp người anh trai và em trai. Họ thuộc đơn vị bạn ở tuyến sau bổ sung lực lượng hỗ trợ cho tuyến trên tiến lên đánh vào hầm chỉ huy của giặc trên đỉnh đồi A1. Gặp nhau trong chốc lát tại chiến trường rồi cả 3 anh em xông vào trận đánh ác liệt, sau đó 2 người anh em của ông đã hy sinh. Đó cũng là lần gặp nhau cuối cùng của 3 chiến sỹ (Trung đoàn 174) cùng một gia đình.
Luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, phối hợp tác chiến cùng đồng đội, dũng cảm trong chiến đấu, thực hiện nghiêm kỷ luật chiến trường, ông Đĩnh vinh dự được kết nạp Đảng trước thời điểm giải phóng Điện Biên Phủ 1 tháng (tháng 4/1954). Năm 1960, ông Đĩnh và ông Thịnh phục viên, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước họ trở lại Điện Biên, xây dựng quê hương mới, sinh sống ở đây đến nay. Ông Đức tiếp tục ở lại trong quân đội và tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1972 ông chuyển ngành rồi ở lại Điện Biên. Ghi nhận những đóng góp của các ông Nguyễn Hữu Đức, Hoàng Văn Thịnh, Nguyễn Văn Đĩnh trong chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ cũng như trong xây dựng quê hương mới Điện Biên, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng các ông nhiều Huân, Huy chương; UBND tỉnh Lai Châu (ngày trước) và UBND tỉnh Điện Biên hiện nay tặng nhiều Bằng khen. Nhiều năm liên tục gia đình các ông được UBND phường Thanh Bình công nhận gia đình văn hóa.
Phát huy truyền thống anh bộ đội Cụ Hồ, truyền thống Điện Biên Phủ năm xưa, trở về công tác trong môi trường mới, hay nghỉ hưu, các ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, gương mẫu trong mọi phong trào hoạt động ở cộng đồng dân cư, là tấm gương sáng cho thế hệ con cháu noi theo.
Nguồn: baodienbienphu.com.vn