Hãng tin Eurasiareview đăng tải bài phân tích của Tiến sỹ Rajaram Panda
về chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Ảnh cắt từ bản tin của Eurasiareview
Các hãng tin lớn của Nhật Bản như: Tờ Asahi Shimbun, The Japan Times, NHK…đều đưa tin, đăng tải những hình ảnh về những hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Nhật Bản.
Hãng thông tấn NHK của Nhật Bản, ngày 18/3, đã nêu bật những nét chính trong bài phát biểu của Chủ tịch Trương Tấn Sang trước Quốc hội Nhật Bản, trong đó nêu rõ: Sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản sau thảm họa động đất – sóng thần hồi tháng 3/2011 có đóng góp quan trọng vào sự thịnh vượng chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kinh nghiệm thành công của Nhật Bản sẽ trở thành một hình mẫu để Việt Nam noi theo. Hãng thông tấn này của Nhật Bản cũng chia sẻ quan điểm của Chủ tịch Trương Tấn Sang theo đuổi lập trường kiên định nhằm giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua các giải pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, không ủng hộ hành vi sử dụng hay đe dọa vũ lực trong giải quyết các vấn đề tranh chấp.
Dưới nhan đề: “Việt Nam – Nhật Bản tăng cường quan hệ đối tác chiến lược”, hãng thông tấn Bernama của Malaysia nêu rõ: Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Trương Tấn Sang tới Nhật Bản là một sự kiện chính trị quan trọng, góp phần tăng cường niềm tin về chính trị cũng như mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh khu vực và thế giới đang có nhiều thay đổi nhanh chóng.
Hãng thông tấn Bernama đã điểm lại những cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, trong đó nêu bật hợp tác hiệu quả về mặt kinh tế giữa hai nước. Bài viết nêu rõ, kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản – Việt Nam trong năm 2013 ước đạt 25,6 tỷ USD và đang hướng tới mục tiêu gấp đôi con số trên vào năm 2020. Hiện hai nước đang tích cực tham gia vào tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tạp chí Âu - Á của Mỹ (Eurasiareview), ngày 17/3, đăng bài bình luận của Tiến sỹ Rajaram Panda – chuyên gia hàng đầu của Ấn Độ về khu vực Đông Á với nhan đề: “Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Nhật Bản: Tăng cường các mối quan hệ song phương”. Bài viết nhấn mạnh, chuyến thăm cấp Nhà nước kéo dài 4 ngày của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Nhật Bản, bắt đầu từ ngày 16/3/2014, là bước phát triển mới nhất trong chính sách đối ngoại tích cực của Việt Nam, dựa trên tinh thần tăng cường các mối quan hệ ngoại giao.
Bài viết nêu rõ, chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình trong khu vực đang có nhiều biến động liên quan tới tranh chấp lãnh thổ, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên... Chuyến thăm này sẽ mở ra cơ hội để Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe cùng ký kết các thỏa thuận tăng cường hợp tác song phương, bao quát nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ phát triển tài chính…
Tác giả bài viết nhấn mạnh, kể từ năm 2002 cho tới nay, hợp tác kinh tế đã trở thành điểm sáng, nổi bật nhất trong quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản. Đây được xem là tiền đề để hai bên tiếp tục củng cố niềm tin tưởng, sự hiểu biết lẫn nhau. Quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản đã được nâng lên hàng đối tác chiến lược vào năm 2009. Đến năm 2007, Nhật Bản đã trở thành nước đầu tiên trong Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu trên thế giới (G-7) công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.
Tiến sỹ Panda khẳng định, Nhật Bản - với vị trí là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và Việt Nam - một nền kinh tế đang lên tại khu vực Đông Nam Á, trong những năm gần đây, mối quan hệ nhiều mặt giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp. Mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành hình mẫu lý tưởng trong khu vực và tạo nên một dấu ấn quan trọng trong quá trình hình thành nên diện mạo của một châu Á mới.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam