Trước tiên, từ rất nhiều vị trí trên các đỉnh núi cao, lực lượng pháo binh non trẻ Việt Nam đã đĩnh đạc “chia đều” cái chết cho quân địch. Những trận bão lửa khủng khiếp dồn dập trút xuống bản doanh giặc ở Phân khu Trung tâm, ở sân bay Mường Thanh, ở hầm chỉ huy cứ điểm Him Lam, ở sân bay dự phòng Hồng Cúm... Với trên 40 khẩu pháo và súng cối các cỡ (75ml, 105ml và 120ml), các đại đội sơn pháo 115, 116, 752, 753, 757 và 806... thuộc đại đoàn công pháo 351, đã thực hiện một cách tuyệt vời mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Bắn trúng! Bắn nhanh! Bắn mạnh!”.
Ngay ở đòn phủ đầu quyết liệt, chính xác và bất ngờ của pháo binh ta, hàng trăm tên địch đã tức khắc phải đền tội. Tại Sở chỉ huy Phân khu Bắc, trung tá chỉ huy trưởng Gôsê cùng hai sỹ quan phụ tá bị chết không toàn thây xác. Một kho xăng và một kho đạn bốc cháy ngùn ngụt, nổ loạn xạ hàng tiếng đồng hồ. Tại sân bay Mường Thanh, 6 chiếc Đakôta, 1 chiếc Biacát và 1 chiếc C.46 vỡ tung ra từng mảnh. Trong khi 13 chiếc khác, trong đó có 6 chiếc Moran, đành phải nằm bẹp dí ở hầm nổi, sợ hãi không dám cất cánh. Toàn bộ trận địa pháo của Pirốt bị tê liệt, 12 khẩu bị phá hỏng hoàn toàn. Vô tuyến điện bị vô hiệu hoá, khiến Đờcát như người mất chân tay, không thể gọi được đi đâu và cũng chẳng nhận được báo cáo ở đâu.
Từ bờ sông Nậm Rốm, trung tá Lăng gơle (nguyên Tư lệnh binh đoàn không vận số 2 (GAP2) kiêm Chỉ huy phó tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ), đang tắm vội chui vào hầm mà không kịp cả mặc quần áo, mặt mày xám ngoét, nói không ra hơi. Tại cụm cứ điểm Him Lam, thiếu tá Pêgô, đại uý Pácđi và trung uý Lungiê, cùng nhận cái chết một lúc và ở cùng một chỗ. Nắp hầm bêtông của Pêgô bị đạn pháo hất bay đi hàng chục mét, 7 lô cốt trúng đạn, 4 hoả điểm loại 6 tiểu liên bị nghiền nát. Tiếng khóc than, tiếng kêu cứu, tiếng chửi rủa và tiếng cầu nguyện hoà vào nhau, làm thành một bản “đại hợp xướng” bất đắc dĩ... (Sau này, trong cuốn hồi ký: “Tôi đã là thầy thuốc ở Điện Biên Phủ”, xuất bản tại Pari; tác giả cuốn sách - thiếu tá, bác sỹ quân y Pôn grôuyn- đã mô tả: “Đó là những cú bắn bậc thầy, được phát đi từ những đỉnh núi cao đầy bí hiểm và đầy chết chóc”).
Ròng rã hơn một tiếng đồng hồ, bầu trời Điện Biên lúc nào cũng hầm hập nóng, ngỡ như đang vỡ dần ra và sắp sửa sập xuống. Mặt đất bị cày xới nham nhở bởi gần hai nghìn trái pháo chà đi xát lại, tưởng không một sinh vật nào có thể thoát khởi lưỡi hái tử thần. Đờcát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu vẫn chưa hết bàng hoàng. Lạy Chúa! Không biết bằng cách nào mà đối phương lại đem được những cỗ pháo khổng lồ, trọng lượng 2 - 3 tấn lên tít đỉnh núi cao?! Đã thế, điều đáng sợ nữa là người ta còn bắn như có sẵn hàng trăm kho đạn dự phòng... Lúc này - khoảng 18 giờ h30 phút - giữa những khoảng cách an toàn của các làn đạn pháo hiệp đồng, 3 tiểu đoàn bộ binh của ta đã nhanh chóng và bí mật cắt ngang sông Nậm Rốm, tiếp cận mục tiêu.
Theo sự phân công của Bộ Tư lệnh mặt trận, đại đoàn 312 được vinh dự đánh trận mở màn, tiêu diệt cụm đề kháng Him Lam. Tại hướng phụ cứ điểm số 3, tiểu đoàn 130 (trung đoàn 209) đã phá tung cửa mở, chỉ sau 18 phút đánh vỗ mặt quân thù. Xung kích ta tràn lên, dũng mãnh xông thẳng vào trung tâm với sức mạnh yểm trợ của 5 khẩu ĐKZ. Tiểu đội trưởng Trần Can dẫn đầu một mũi truy kích, đánh chiếm lần lượt từ lô cốt tiền duyên - lô cốt đầu cầu - đánh sang lô cốt số 6 rồi đánh lên lô cốt “mẹ”. Tại lô cốt “mẹ”, địch tử thủ bằng cách dùng hai khẩu súng máy bắn chéo cánh gà. Những đường đạn đan vào nhau theo hình dấu nhân, giăng là là mặt đất, gây rất nhiều thương vong cho quân ta. Trần Can ra hiệu cho một tổ bắn tiểu liên nghi binh để hút hoả lực địch về phía trước, một tổ khác bất ngờ vòng ra phía sau dùng chiến thuật tập hậu. Sau mấy loạt thủ pháo, tiểu đội Trần Can băng vào trong lô cốt, bắt sống một tên quan ba và tiêu diệt gọn đại đội lê dương số 11. Dứt điểm, Trần Can cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” lên nóc lô cốt địch. Đấy là lá cờ chiến thắng đầu tiên của quân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ; lá cờ này do các nữ chiến sỹ văn công trung đoàn thức trắng đêm qua để thêu, cho kịp giờ bôn tập.
Di tích cứ điểm Him Lam, nơi diễn ra trận đánh mở màn ngày 13/3/1954.
Tại cứ điểm số 2, tiểu đoàn 428 (trung đoàn 141) đã vấp phải hàng loạt những khó khăn, ngay từ phút đầu triển khai trận địa. Các ổ súng máy di động của địch lợi dụng đêm tối và địa hình địa vật, đã nhiều lần tấn công ngang sườn đội hình của ta. Để mở được 7 lớp rào thép gai kiên cố, hàng chục đảng viên và chiến sỹ của tiểu đoàn đã thay nhau ngã xuống, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”. Còn hàng rào cuối cùng, một chiến sỹ ôm bộc phá leo lên nhưng chưa kịp đánh thì đã bị thương; ngay lập tức có nhiều người khác tình nguyện thế chân, sẵn sàng thi gan với hoả lực của địch. Một trong những người con kiên cường ấy là Phan Đình Giót! Sau khi mở thông 50 mét rào thép gai, điểm lại quân số cả trung đội bộc phá chỉ còn lại có 4 người và đều đã bị thương. Bản thân Phan Đình Giót cũng bị một vết ở đùi, máu chảy ướt đẫm một bên ống quần, đỏ kín cả mu bàn chân.
Lợi dụng tình thế, quân địch liều mạng từ trong lô cốt tràn ra bên ngoài, định một trận sống mái với hy vọng xoay ngược thế cờ. Đại đội phó Trần Khay dũng cảm chỉ huy đơn vị trinh sát tả xung hữu đột, không chỉ dùng lưỡi lê mà dùng cả lựu đạn để đánh “giáp lá cà” với địch. Bị đánh rát, quân địch chống đỡ không nổi buộc phải vừa đánh vừa lui, rồi rút hẳn lên tầng thượng lô cốt dùng trung liên khống chế tầm cao. Lúc này, lại thêm pháo địch từ đồi C1 và đồi Độc Lập bắn tới, chặn ngang bước tiến của quân ta. Mặc dù bị thương lần thứ 3, Phan Đình Giót vẫn cắn răng bò lên, ném quả lựu đạn cuối cùng vào trong lô cốt. Tuy nhiên, khi xung kích ta xông lên thì hoả lực địch cũng đã kịp thời khôi phục, bắn dữ dội. Phan Đình Giót bình tĩnh lăn một vòng sang phải, cố tránh luồng đạn đại liên từ một lỗ châu mai phóng ra. Đoạn, anh kề khẩu tiểu liên vào tận miệng lỗ, giận dữ xiết cò... Sau 1 giờ 56 phút chiến đấu vô cùng anh dũng, tiểu đoàn 428 đã hoàn toàn kiểm soát cứ điểm số 2. Trong số những chiến sỹ ưu tú đã vinh quang ngã xuống ở ngày đầu chiến dịch, Phan Đình Giót xứng đáng là một tấm gương tiêu biểu cho Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng: Lấy thân mình lấp lỗ châu mai!
Sơ đồ trận đánh cứ điểm Him Lam, đêm 13/3/1954.
Song song với cuộc tấn công vào cứ điểm số 3 và cứ điểm số 2, là cuộc tấn công vào cứ điểm số 1. Cứ điểm số 1 là vị trí then chốt, được coi là “trái tim” của cụm đề kháng Him Lam. Địch tập trung ở đây một binh lực hùng hậu, cả về phương tiện lẫn con người; có hầm ngầm vững chắc được xây dựng bằng ximăng mác cao mang từ Pháp sang, chiến luỹ nhiều tầng, dọc ngang xen kẽ, mìn và đất bằng nhau, lẫn vào nhau... Vì vậy, nhiệm vụ đâm thủng “trái tim” Him Lam được Bộ Chỉ huy tin cậy giao cho tiểu đoàn 11 Phủ Thông (trung đoàn 141); đó là tiểu đoàn có bề dày thành tích chiến đấu, có nhiều kinh nghiệm đánh cường tập, tấn công hầm ngầm, công sự. Đến đây, tưởng cũng cần nhắc lại một chi tiết trùng lặp, định mệnh và thú vị, rằng: Sáu năm về trước tại trận Phủ Thông (trận đánh ở phía bắc Bắc Cạn, mở đầu cho Chiến dịch đường 3, từ ngày 25/7 - 2/8/1948), chính tiểu đoàn lê dương 13 này đã một lần đối mặt với tiểu đoàn 11 Phủ Thông của ta. Lần tái chiến hôm nay, đối với quân địch là sự sắp đặt trớ trêu của số phận...
Đoạn đường suốt từ nơi ém quân của tiểu đoàn lên tới cửa mở, bị pháo địch bên đồi D bắn sang như mưa rào, đất đá mù mịt một góc trời. Cần ăngten vô tuyến của tiều đoàn bị mảnh pháo địch tiện gãy ngang chừng, liên lạc chạy bộ của ta ở vòng ngoài cũng nhiều người bị thương vong. Ngoài bộc phá, ta dồn hoả lực bắn thẳng vào hàng rào, để tạo thành cửa mở. Quá trình xung kích ta vận động lên, rất nhiều anh em đã ngã xuống bởi các ụ súng máy ngầm cố định, và các ổ đại liên di động của địch trong chiến hào chằng chịt. Có mũi khi vượt được qua hoả điểm, thì chỉ còn 1/3 lực lượng đủ sức lên tiếp. Tới chân hàng rào cuối cùng, bất ngờ quân ta vấp phải một hoả điểm được quân địch bố trí kín đáo, ẩn sâu dưới hai lớp rào có nguỵ trang, đó là súng phun lửa. Lần đầu tiên chiến sĩ ta gặp phải loại vũ khí này, do đó, cuộc chiến đấu ở đây diễn ra rất ác liệt và có phần bất lợi cho ta. Nhưng nhờ theo dõi sát diễn biến trận đánh, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã kịp thời điều cho tiểu đoàn một lượng lựu pháo đáng kể; lệnh của Sư trưởng là phải bắn cấp tập, ít nhất cũng phải đạt mức 40 quả trong vòng 3 phút.
Theo yêu cầu của bộ binh, trung đoàn lựu pháo đã áp dụng cách bắn kiềm toả; tập trung 5 đại đội bắn đồng loạt ở 5 cự ly, khống chế trận địa pháo địch phía sau đồi D. Với 200 viên đạn được quân ta bắn ra cùng lúc từ 40 nòng pháo, trong vòng 10 phút, 12 khẩu pháo của địch đã biến thành sắt vụn. Tại trận đấu pháo được ghi vào lịch sử pháo binh Việt Nam này, trung đội trưởng pháo 105 Nguyễn Văn Dĩ đã anh dũng hy sinh, khi anh đứng hiên ngang trên một đỉnh cao quan sát điểm chạm đất của pháo ta, để hiệu chỉnh đường ngắm. Sau khi diệt xong hoả lực mạnh của địch, bộ binh ta như một trận cuồng phong cuồn cuộn dâng lên. Bằng kỹ thuật đánh thọc sâu táo bạo, biến hoá và tạo yếu tố bất ngờ, tiểu đoàn đã nhanh chóng buộc quân địch phải xé lẻ lực lượng, rối loạn đội hình. Theo sáng kiến của dũng sỹ Trần Oanh, đại đội chủ công tiến lên mở một đường máu, tiếp đó lần lượt đến thê đội 1, rồi thê đội 2 ầm ầm xung trận. Quân địch chống cự yếu dần, yếu dần, rồi co dúm lại, nấp kỹ trong các lô cốt, hy vọng đồng bọn ở Phân khu Trung tâm sẽ đến ứng cứu, đánh giải vây.
Him Lam thất thủ. Trong cơn cuồng nộ, để lấy lại thể diện và may ra có thể cứu vãn được tình hình, ngay đêm đó đại tá Pirốt - Chỉ huy phó Tập đoàn cứ điểm kiêm Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên - đã cho giội xuống Him Lam không dưới 6.000 quả đạn cối các loại. Tuy nhiên, cố gắng cuối cùng này của Pirốt cũng không đem lại cho y và đồng bọn một cái gì khác, ngoài thất bại cay đắng đầu tiên. Không những thế, nó còn làm cho trận đánh mở màn của quân ta thêm vinh quang...
Nguồn: baodienbienphu.com.vn