WHO chia sẻ kinh nghiệm về bảo hiểm y tế với Việt Nam

Sáng 10-3, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và Tổ chức Y tế Thế giới phối hợp tổ chức hội thảo Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về Bảo hiểm Y tế.

Dự hội thảo có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam; ông Shin Young Soo, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương cùng đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành trong cả nước.

Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi đang được lấy ý kiến để hoàn thiện trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 6 tới, vẫn giữ các nguyên tắc cơ bản nhằm đạt mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân. Trong đó, Luật nhấn mạnh đến việc đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế, bảo vệ người dân trước những rủi ro tài chính.

Sau 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, nước ta đã đạt được một số kết quả tốt như: cuối năm 2013 đã có 70% dân số tham gia Bảo hiểm y tế, một số đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ để tham gia bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước đang chiếm 42-45% Quỹ Bảo hiểm y tế…

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tuy nhiên, để bảo hiểm y tế có thể đến với toàn dân, Việt Nam đứng trước những thách thức lớn như: hiện nay, người lao động hưởng lương chỉ chiếm 7,9% tổng số người có bảo hiểm y tế, mới chỉ có 25% hộ gia đình cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế, hầu hết hộ nông dân có thu nhập trên trung bình chưa tham gia bảo hiểm y tế…

Hội thảo đã tập trung phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này mà đáng chú ý nhất là bảo hiểm y tế hiện nay chưa bao gồm nhân thân phụ thuộc, chưa quy định phí bảo hiểm y tế là một loại thuế đặc thù để có cơ chế xử phạt đủ mạnh, ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng phí bảo hiểm y tế còn hạn hẹp…

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm của các nước như: cần hướng đến bảo hiểm y tế bắt buộc để các đối tượng phi chính thức cũng phải tham gia đầy đủ, Chính phủ hỗ trợ 1/2 phí cho đối tượng phi chính thức, trong gia đình có 1 người có bảo hiểm y tế thì những thành viên còn lại cũng có…

Nhiều đại biểu dự hội thảo cho rằng, Luật nên từng bước quy định theo hướng Bảo hiểm y tế bắt buộc đối với mọi đối tượng để đảm bảo an sinh và sức khỏe toàn dân trong tương lai; Chính phủ cần có cam kết tỷ lệ trả phí Bảo hiểm y tế cho đối tượng phi chính thức.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết: Hiện nay, Dự án Luật sửa đổi bổi sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế đang trong trình tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội. Trong đó, tập trung sửa đổi những chính sách để mở rộng bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản, mô hình quản lý quỹ hợp lý và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bà Trương Thị Mai mong muốn các đại biểu có những nghiên cứu, trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin, làm sao dự án luật trình ra sẽ đề xuất những chính sách hợp lý nhất.

Nguồn vov.vn