Làng biển Mỹ Hiệp, thuộc xã Thanh Hải (Ninh Hải) có hơn 210 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác hải sản. Ngoài đánh cá mực, đàn ông ở Mỹ Hiệp còn mạnh về nghề lặn bắt tôm hùm, hải sâm. Song, phụ nữ Mỹ Hiệp cũng lặn giỏi không kém mặc dù khu vực lặn của họ gần bờ, có độ sâu vài ba mét. Chính vì vậy mà các chị thường gọi vui với nhau là nghề mò tôm, bắt ốc hay nghề “lặn bộ”. Chị Ngô Thị Nhơn- người có thâm niên hơn 15 năm “lặn bộ” cho biết: Mùa lặn ở đây chia làm hai đợt. Mùa từ tháng giêng đến tháng tư thì rủ nhau đi lặn tôm; từ tháng năm trở đi chuyển sang lặn rau đến mùa mưa bão thì…ở nhà. Trong làng cũng ít người làm vì họ ngại ảnh hưởng đến sức khỏe, rám nắng. Chỉ có khoảng mười chị em bám nghề thôi, còn hầu hết là làm theo “thời vụ”, bữa làm bữa nghỉ.
Những nữ thợ lặn ở thôn Mỹ Hiệp.
Nghề “lặn bộ” của phụ nữ Mỹ Hiệp ban đầu chỉ là đi lặn tìm rau chân vị, rau vân mùa hiếm cá để phụ giúp kinh tế gia đình trong lúc chờ thuyền cập bến, tải cá. Thời đó rau nhiều, một buổi cũng lặn được vài chục ký rau. Dần dà, họ chuyển sang nghề lặn tôm hùm con vì giá trị kinh tế cao gấp mấy lần.
Kể ra, lặn tôm hùm con cũng lắm công phu. Con tôm nhỏ như que tăm nấp trong hang hốc, thợ lặn phải có con mắt tinh tường lắm mới phát hiện được mấy cọng râu ló ra ngoài phơ phất; phát hiện rồi phải có nghệ thuật “ dụ” tôm búng mình ra ngoài, chẳng hạn lấp đất vào cho tôm ngộp, chứ để nó thụt sâu vào hang thì không cách chi bắt được. Mấy năm trước tôm nhiều, người lặn ít. Một ngày lặn bắt đầu tầm 6 giờ sáng đến hơn 1 giờ chiều cũng kiếm đủ tiền chợ cho gia đình 5-6 người ăn. Nhiều năm trở lại đây, vùng biển từ Mỹ Tân, Mỹ Hiệp đến Khánh Nhơn nổi lên nghề trồng rong sụn nên việc “lặn bộ” của chị em trong thôn cũng bị thu hẹp dần. Thêm nữa, thời gian gần đây tôm ít, người lặn nhiều nên mỗi ngày lặn hụt hơi, đỏ con mắt cũng chỉ được 1 đến 2 con, bù lại giá tôm cao nên thu nhập cũng khá. Cũng là tôm hùm con nhưng nếu bắt trúng tôm sao giá cao từ 200-400 ngàn đồng/con; tôm trắng, tôm xanh thì rẻ hơn, từ 70-150 ngàn đồng/con. Chị nào “lặn bộ” chuyên nghiệp thì trung bình một tháng đi lặn chừng 20 ngày, thu nhập từ 7 đến 10 triệu. Nhưng đã là quy luật, nghề theo con nước thì bữa có bữa không. Có chị cả ngày đi lặn chỉ được vài con ốc phụ thêm bữa ăn trong gia đình. Nếu không có sự nhẫn nại, bám biển, bám nghề thì các chị chỉ biết chờ chồng đi biển về như không ít phụ nữ khác ở làng biển.
Cũng nhờ nghề lặn bộ mà nhiều phụ nữ làng Mỹ Hiệp có thu nhập khá, cải thiện kinh tế gia đình. Tuy nhiên, không ít lần có chị đã bị con nước uy hiếp tính mạng. Chị Nhơn không ngần ngại chia sẻ: Thật ra thì dụng cụ của nghề “lặn bộ” như chúng tôi làm đây chỉ có cái kính và chiếc phao thôi, chứ đúng “bài” như nghề lặn của đàn ông phải thêm bình thở ô-xy và bộ đồ nhái. Chị em đi lặn hoàn toàn vào khả năng nín thở dưới nước của mình. Cũng chính vì điều này mà không ít chị đã bị ngạt nước khi đi nghề, rất may được sự cứu giúp kịp thời của các chị em đi nên đã thoát hiểm. Bản thân chị Nhơn dù nhiều năm kinh nghiệm “lặn bộ” nhưng cũng từng gặp nhiều phen nhớ đời. Lần ấy, chị đi lặn tôm cùng mấy chị em nữa trong làng. Bữa đó tôm vãn, lặn cả buổi chỉ được mấy con ốc nhảy, ốc nón. Thấy một chị rủ đi lặn bắt tôm hùm con núp ở vỏ ghe đang neo ngoài bãi, chị Nhơn cũng “thử” đi. Vì không quen lặn dưới ghe nên chị bị say sóng. Cảm giác hơi mình yếu dần, say xẩm mặt mày, chị cố bơi vào bờ nằm thở dốc. May có người trong làng phát hiện kịp thởi đã thoa dầu sơ cứu nên chị khỏe trở lại và về nhà.
Chị Phạm Thị An thu được chiến lợi phẩm là 1 con tôm hùm con.
Chồng chị Nhơn- anh Trần Hải vốn là thợ lặn “có tiếng” của làng Mỹ Hiệp nên anh hiểu được những nguy hiểm chực chờ trong nghề “lặn bộ” của phụ nữ trong thôn. Anh Hải vẫn thường hướng dẫn chị Nhơn cách điều hòa hơi thở và làm thế nào để nước không vào trong kính lặn. Anh Hải chia sẻ: So với đàn ông, nghề lặn của phụ nữ vất vả hơn nhiều vì phải nín thở lâu trong nước. Nguy hiểm nhất là bị đuối hơi rất dễ dẫn đến tắt thở. Nhưng nhiều chị lại không học được cách ngậm bình thở ô-xy, một khi đã không biết cách sử dụng thì càng dễ dẫn đến tai nạn hơn. Vậy nên, phụ nữ ở đây chẳng ai dùng bình thở khi đi lặn cả.
Ái ngại công việc này lắm nhưng chị Ngô Thị Hòa theo nghề lặn cũng được mấy năm rồi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng mất sức lao động vì tai nạn, con cái đang tuổi ăn học, chị đành “nhắm mắt đưa chân” học nghề chị Nhơn đi lặn tôm và lâu ngày “đâm ra” gắn bó luôn. Chị Hòa cho biết: Mỗi người mỗi việc, việc nào cũng có cái khó của nó. Mình đã xác định theo nghề lặn thì có vất vả cũng phải chấp nhận. Cốt là biết lường sức mình trong lúc lặn thì sẽ an toàn.
Bao đời nay, nghề nào thì nghiệp nấy. Những người phụ nữ theo nghề “lặn bộ” cũng có cái “nghiệp” của họ. Để xây đắp cuộc sống no ấm cho gia đình, họ bám nghề, không quản hiểm nguy, tiếp tục bươn chải trong cuộc mưu sinh cùng biển…
Diễm My