Vấn đề hôm nay:

Giúp gì cho hộ nghèo thoát nghèo?

(NTO) Theo đánh giá chung, có thể nói những năm qua tỉnh ta đã thực hiện khá tốt hệ thống chính sách giảm nghèo, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, toàn tỉnh tỷ lệ hộ nghèo đã giảm bình quân 2%/năm.

Đơn cử như nếu cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) toàn tỉnh chiếm 15,48% thì đến năm 2012 giảm còn 11,2%, năm 2013 tỷ lệ này tiếp tục hạ thấp còn 9,19% và năm 2014 này tỉnh ta phấn đấu giảm thêm 2% vào cuối năm. Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn từ các cấp ủy Đảng, chính quyền đến nhiều hộ nghèo quyết chí đẩy lùi nghèo đói. Tuy nhiên, thực tế cho thấy để giảm nghèo “bền vững” không đơn giản bởi nguy cơ tái nghèo còn cao, đó là chưa nói đến hộ cận nghèo còn chiếm tỷ lệ không nhỏ, nhất là ở vùng nông thôn và miền núi. Theo thống kê mới đây cho thấy, hiện số hộ nghèo ở nhiều thôn còn chiếm đến trên 25%, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn trên 43%.

 
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước giúp gia đình anh Mã Thành Luân 45 tuổi ở xã Phước Hữu
vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ chăn nuôi bò kết hợp canh tác 8 sào ruộng 3 vụ lúa.
Ảnh: Sơn Ngọc

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo (tuy không đói), đặc biệt tỉnh ta, số hộ nông nghiệp còn trên 70%, trong khi đó đất sản xuất lại có hạn. Không những vậy, do sản xuất còn lệ thuộc vào thời tiết nên khó chủ động để đạt năng suất cao cho cây trồng. Thiếu vốn sản xuất cũng là điều đáng nói. Do giá cả nông sản trên thị trường còn lệ thuộc nhiều vào thương buôn, “đầu vào” còn cao do giá vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cao trong khi “đầu ra” không chủ động… nên khó có thể tích lũy để tái sản xuất. Đã có không ít nông hộ trồng nho, táo… thu vào mỗi vụ có thể tính đến con số trăm triệu hoặc nhiều hơn nhưng vẫn nghèo vì…như đã nói phần trên do mất cân đối giữa đầu tư với giá cả “đầu ra”; vay “nóng” với lãi suất cao để đầu tư sản xuất và các chi phí trong cuộc sống… Làm giỏi thì còn được, nếu như mất một vụ coi như hơn 8 tháng trong năm phải “ăn vay”! Yếu tố cũng không kém phần quan trọng là kinh nghiệm sản xuất, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy thời gian qua tỉnh ta có tổ chức một số lớp dạy nghề cho người nghèo với các nghề như nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, thú y, chăn nuôi bò…nhưng chưa nhiều so với nhu cầu và chưa phát huy được tác dụng bởi nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan.

Vấn đề đặt ra ở đây: Vậy giúp người nghèo thoát nghèo bằng cách nào?. Trước đây có ý kiến nên “giúp cần câu” đừng “giúp xâu cá”. Tuy nhiên có “cần” chắc gì đã biết “câu”! Cho nên tốt nhất là giúp cái mà người nghèo thiếu theo hướng thiết thực nhất và cụ thể cho từng hộ như vừa giúp vốn vừa hướng dẫn cách đầu tư để đồng vốn sinh lợi từ sản xuất hoặc buôn bán nhỏ… thực hiện phương châm: giúp hộ nào chắc hộ đó, thậm chí giúp cả “ý chí” để vươn lên, tránh mặc cảm, tự ti… để rồi phải chịu cảnh “nghèo vẫn hoàn nghèo”.