Trong ký ức của ông Đỗ Văn Được ở phường Phủ Hà, mương Ông Cố khi xưa nước trong vắt, cá tôm nhiều vô kể. Mương phục vụ nước sản xuất cho các vùng phía Đông thành phố, vừa cung cấp nước sinh hoạt cho bà con sống ở hai bên bờ. Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm thời mới giải phóng “nửa nông thôn, nửa thành thị”, chỉ có những hộ sống dọc đường 21 Tháng 8 là tiểu thương, công chức nhà nước, còn đa phần bà con sống ở phía sau, sát mương Ông Cố làm nông, trồng nho, táo. Chiều chiều, sau giờ làm việc bà con ra mương Ông Cố “tụm năm, tụm bảy” tắm giặt nói cười râm ran. Cuộc sống nhộn nhịp phủ tràn lên dòng mương, tạo nên nét văn hóa đặc trưng của người Phan Rang.
Chăm sóc cây xanh . Ảnh: V.M
Thế rồi, những năm gần đây khi thành phố ngày càng phát triển, dân cư đông đúc, mương ông Cố sâu rộng, nước chảy trong xiết ngày nào dần bị thu hẹp lại. Suốt chiều dài hành lang con mương từ phường Bảo An, Phước Mỹ, Phủ Hà đến Tấn Tài bị người dân lấn chiếm làm cho con mương nhiều đoạn bị ngắt quảng. Tệ hại hơn, nhiều hộ dân thải nước sinh hoạt xuống mương khiến cho con mương phải oằn mình chở đầy rác rưởi.
Gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm xanh-sạch- đẹp, chính quyền các phường tổ chức thu gom rác tận nhà, nước mương ông Cố hồi sinh trong xanh trở lại. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, sau đó đâu lại vào đấy, người dân xả rác xuống mương ngày càng nhiều hơn. Anh Nguyễn Văn Phú sống gần mương, than thở: Dòng mương ông Cố bây giờ không những “gồng mình” chở những bịch rác mà còn có cả xác động vật trôi lềnh bềnh. Con mương thơ mộng một thời ra nông nỗi như hôm nay cũng là do ý thức của người dân quá thấp.
Nghe anh Phú nhắc đến ý thức, tôi chợt nhớ lại hình ảnh một đứa bé nước ngoài đi cùng cha mẹ đến tham quan Tháp Pô Klong Garai cứ lon ton chạy tìm thùng rác bỏ vỏ trái cây vừa ăn xong. Rồi một ông Tây vào quầy giải khát hút thuốc cứ dụi tàn vào tờ giấy lộn cầm trên tay không để bay ra ngoài. Hút thuốc xong ông gói tàn lại, đi tìm thùng rác bỏ vào. Nhìn “người mà nghĩ tới ta” cảm thấy chạnh lòng. Người Việt Nam còn nhiều thói quen xấu, không có ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường.
Cuộc sống quanh ta có biết bao điều tốt đẹp. Vì những con đường xanh - sạch - đẹp của thành phố mà những chị lao công đêm đêm lặng lẽ, cần mẫn quét dọn từng con đường, góc phố. Tại sao những người có thói quen tiện tay xả rác, “sạch nhà dơ phố” không lấy đó làm tấm gương để điều chỉnh hành vi của mình? Đã đến lúc chúng ta phải chung tay xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm văn minh, hiện đại.
Anh Tùng