Nâng cao ý thức phòng chống bệnh sởi

(NTO) Đầu năm đến nay, bệnh sởi đã bùng phát tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Riêng với tỉnh ta, mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nào bị mắc bệnh, nhưng với tính chất nguy hiểm, dễ lây lan thành dịch nên ngành chức năng, các địa phương đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện các biện pháp phòng, phát hiện, xử lý kịp thời khi có trường hợp mắc bệnh.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra, lây từ người sang người thông qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuyếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng bệnh nhân. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông-xuân. Biểu hiện của bệnh bao gồm: sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các triệu chứng: ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc, nổi hạch (cổ, sau tai), sưng đau khớp. Khi mắc bệnh, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân dễ bị biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt gây mù lòa, thậm chí có thể viêm não dẫn đến tử vong. Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 7-18 ngày, trung bình 10 ngày. Thời kỳ lây nhiễm từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau phát ban. Chính vì vậy bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm rất cao.

Trước nguy cơ của bệnh, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh; theo dõi, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh; đồng thời chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, thuốc, trang-thiết bị để thu dung và điều trị kịp thời cho bệnh nhân, không để xảy ra biến chứng nặng hoặc tử vong. Bác sĩ Võ Ngọc Quan, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Vào ngày 6 và 13-2, tỉnh ta phát hiện 2 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại thôn Lương Cách, xã Hộ Hải (Ninh Hải) và khu phố 9, phường Phước Mỹ, (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm). Sau khi phát hiện, nhân viên y tế địa phương đã trực tiếp đến gia đình bệnh nhân tư vấn, thực hiện các phương pháp điều trị bệnh, cách ly bệnh nhân. Đến nay cả 2 trường hợp đã hồi phục sức khỏe. Trung tâm Y tế cũng đã lấy mẫu bệnh phẩm gởi viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm, hiện đang chờ kết quả.

Để chủ động phòng bệnh tại cộng đồng, biện pháp quan trọng nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh. Trẻ cần được tiêm đầy đủ, đúng lịch 2 mũi: mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi, và tiêm lại lần 2 khi trẻ 18 tháng tuổi. Đối tượng khác nếu chưa được tiêm vắc-xin sởi trước đó cần tiêm 1 mũi. Ngoài ra cần có chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cơ thể; vệ sinh cá nhân sạch sẽ như thường xuyên rữa tay bằng xà phòng, làm sạch đường mũi, họng, mắt hằng ngày để tránh nhiễm bệnh.

Trong trường hợp đã mắc bệnh, bệnh nhân cần được cách ly và chăm sóc y tế trong 7 ngày kể từ khi phát ban. Do đó, các bậc phụ huynh khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu như: sốt, phát ban, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và lây nhiễm cho cộng đồng.