Nhìn lại công tác quy hoạch và quản lý cây xanh ở Tp. Phan Rang - Tháp Chàm

(NTO) Là một thành phố trẻ, Phan Rang Tháp Chàm đang xây dựng ngày càng xanh-sạch-đẹp để phấn đấu trở thành đô thị loại 2 vào năm 2015. Tuy nhiên, hiện công tác quy hoạch và quản lý cây xanh vẫn chưa được chú trọng đúng mức.

Trồng nhiều, nhưng khó quản lý

Trong những năm gần đây, hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp, nhiều địa phương đã hưởng ứng mạnh mẽ việc trồng cây xanh tại các tuyến đường, công viên, trụ sở cơ quan, trường học, nơi công cộng và trong cộng đồng dân cư. Chỉ tính trong 4 năm đã có trên 10 ngàn cây xanh được trồng trong toàn thành phố. Theo đó, nâng mức phủ xanh từ 4 m2 cây xanh/người (năm 2010) lên 5,8m2/người (cuối năm 2013). Nhờ đó, đã tạo nên diện mạo của thành phố ngày càng xanh, sạch và đẹp hơn so với trước. Do đó, để đạt chuẩn là thành phố loại 2 vào năm 2015, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm còn phấn đấu đạt mức 7 m2 cây xanh/người.

Đoàn viên - thanh niên phường Mỹ Hương hưởng ứng Tết trồng cây.

Ông Nguyễn Xuân Hảo, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết: Tỷ lệ cây xanh còn hạn chế nhưng trong những năm gần đây, thành phố đã chú trọng đầu tư trồng cây xanh, gắn với thực hiện Đề án Xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp. Tuy nhiên, khó khăn trong việc thực hiện Đề án này đó là nguồn vốn chưa tương xứng với yêu cầu. Mặt khác, ý thức của cộng đồng chưa cao, nên đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả. Đơn cử như trong hai đợt huy động xã hội hóa trồng cây năm 2013, đợt 1 trồng được trên 200 cây thì có đến 45% cây bị chết; đợt 2 thành phố đã huy động trồng tiếp 1.000 cây xanh nhưng có đến 200 cây chết mà chủ yếu do bị bẻ ngọn.

Để giảm chi phí, bên cạnh việc tăng cường xã hội hóa, thành phố đã giao cho các địa phương chủ động trồng và chăm sóc, bảo quản cây xanh tại địa phương. Một số cây trồng mới, UBND thành phố tổ chức hợp đồng với đơn vị chăm sóc, tưới trong thời gian đầu (từ 1 đến 3 tháng), khi cây sống ổn định thì giao lại cho địa phương có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều địa phương do không có chuyên môn, cũng như không đủ người chăm sóc nên vẫn chưa thể “quản lý” mảng cây xanh trong địa bàn. Do đó, thành phố đã nhiều lần cấp bổ sung cây thay thế cho các vị trí cây trồng bị chết.

Thiếu quy hoạch cây xanh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cây xanh chủ yếu được mua về trồng vẫn là cây dầu, sao và bàng Đài Loan, đây là những loại cây trồng được đánh giá phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tự nhiên tại tỉnh ta. Tuy nhiên, đây không phải là những cây trồng bản địa, phổ biến, mang nét riêng của tỉnh. Vì vậy, người dân vẫn chưa thực sự hài lòng và mặn mà với việc chăm sóc các loại cây này. Không ít trường hợp người dân tự ý nhổ đi trồng thay thế cây neem, bằng lăng, bàng, phượng, xà cừ để tạo nhiều bóng mát, dễ chăm sóc, hợp với sở thích của mình nhưng vô tình đã phá đi quy hoạch của cả hệ thống cây xanh trên tuyến đường đã được quy hoạch. Chưa kể có một số loại cây rễ, tán phát triển mạnh, ảnh hưởng đến công trình, vỉa hè. Một số tuyến đường, do trồng cây không có quy hoạch ban đầu nên khi cây lớn lên vướng hệ thống dây cáp điện, bảng chỉ dẫn, tín hiệu giao thông, che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện, buộc phải chặt, di dời gây nhiều tốn kém, lãng phí…Đến thời điểm này, tỉnh ta vẫn chưa thông qua quy hoạch tổng thể về cây xanh thành phố. Do đó, việc phân bố mật độ, chủng loại cây cho các tuyến đường vẫn chưa thống nhất.

Trong dịp “Tết Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm nay, nhằm bổ sung độ che phủ xanh cho các tuyến đường và công viên trên địa bàn, thành phố đã huy động các cơ quan, đơn vị ra quân trồng và chăm sóc cây xanh. Theo đó, mỗi trường học và UBND các xã, phường trồng từ 5-7 cây xanh; UBND thành phố trồng 50 cây. Tổng số cây trồng được trồng trong đợt này khoảng 450 cây. Đây cũng là đợt phát động để góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc trồng chăm sóc, bảo vệ cây xanh thành phố. Tin rằng, với sự hưởng ứng mạnh mẽ của các đơn vị, địa phương và người dân, Đề án Xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp sẽ sớm đạt được kết quả như mong đợi.