Là miền quê lúa thanh bình, người dân cần cù chịu khó và có truyền thống hiếu học, Phước Thái được coi là xã có những yếu tố tương đối thuận lợi để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Theo lãnh đạo UBND xã Phước Thái, triển khai thực hiện bê-tông hoá đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, chỉ trong hơn 3 tháng cuối năm 2013, Phước Thái đã thi công 5,42 km đường giao thông nội đồng cấp B (8 tuyến) và 1,7 km kênh mương nội đồng (3 tuyến). Các công trình trên được đầu tư tổng vốn 5,8 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ xi-măng với giá trị tương ứng 2,98 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 2,82 tỷ đồng. Cùng với nhiều công trình quan trọng đã được đầu tư xây dựng trong những năm trước đó, có thể nói kết cấu hạ tầng nông thôn ở Phước Thái bước đầu được hoàn thiện dần. Điều này càng thấy rõ hơn khi chúng tôi về thôn Thái Hòa, một xóm dân cư được tách ra từ thôn Thái Giao.
Giờ tập thể dục của học sinh Trường THCS Đổng Dậu (Phước Thái).
Ảnh: Văn Miên
Thái Hòa có vị trí khá thơ mộng, ngay đầu cổng làng là dòng kênh Nam ăm ắp nước, giữa đôi bờ là màu xanh các cánh đồng lúa trải rộng. Toàn thôn có 111 hộ (490 nhân khẩu), đa số sống bằng nghề nông. Ông Đặng Quý, Trưởng thôn Thái Hòa là cán bộ năng nổ, tích cực, dù đã 63 tuổi, cho biết: “Qua họp dân, tuyên truyền vận động, mọi người đã ủng hộ chủ trương làm đường, làm mương, ngay sau cuộc họp đã có 3 hộ làm gương đóng góp trước 27 triệu đồng”. Khởi công từ ngày 9-8-2013, đến đầu tháng 10-2013, Thái Hòa đã thực hiện bê-tông 5 tuyến với chiều dài 3,5 km đường nông thôn (trong đó có gần 2 km đường nội đồng) và trên 800 m kênh mương nội đồng. Đường chính của thôn vốn trước đây rất hẹp, có đoạn chỉ rộng 1,8 m nên đã có 11 hộ dân tự nguyện hiến đất, bình quân mỗi hộ hiến 30 m2 đất, có hộ như hộ ông Lê Minh Tư, hiến 45 m2 đất. Ông Huỳnh Thúc Lãnh, ở ngay khúc đường hẹp nhất, dù gia đình khó khăn vẫn vui vẻ thuê xe ủi dọn sạch hàng ranh dày 2 m để mở rộng lòng đường. Không chỉ đóng góp tiền mặt, người dân còn đóng góp công lao động, trong vòng 2 ngày đã giải phóng xong mặt bằng để thi công.
Đưa chúng tôi đi trên con đường bê-tông phẳng phiu, ông Đặng Quý chỉ vào hàng rào nhà ông Nguyễn Cu Son, chỗ nhường 1 m làm đường, nay vẫn còn dấu vết lùi vào rõ mồn một. Theo lời ông, trong quá trình làm đường, thôn còn huy động được các xe máy cày trong thôn đóng góp công vận chuyển và người dân vừa tham gia công lao động, vừa giám sát chặt chẽ vật tư và việc thi công nên chất lượng công trình rất bảo đảm. Làm đường là vậy, chuyện về nhường đất làm mương cũng thú vị không kém. Theo tính toán của thôn, có khoảng 2.000 m2 đất ruộng được bà con cắt ra cho tuyến mương thi công, trong đó có ruộng của 2 hộ chỉ còn 15 ngày nữa cắt lúa chín. Trong những người nhường đất làm đường, làm mương, nổi bật có ông Ngô Văn Quang đã tự nguyện hiến 30m2 đất hàng ranh cho đường và 1.500 m2 ruộng cho kênh mương. Ông chia sẻ: Tôi hiểu được lợi ích của con mương, nếu tiếc đất để làm ruộng cũng đâu có hiệu quả, chi bằng góp chút sức vào cho con mương, bao người được nhờ. Thực vậy, nhờ có mương tháo nước đã giúp tiêu úng, rửa mặn cho diện tích trên 50 ha lúa ở vùng trũng nên bà con Thái Hòa vô cùng phấn khởi.
Về Phước Thái, tôi thường nghe nhắc tới Tà Dương là một thôn nghèo ngày nào, nay đã có 100% đường nội thôn được bê-tông, nhà cửa người dân khang trang hơn. Ngày nay, Thái Hòa lại là điển hình, nơi để rút ra nhiều kinh nghiệm cho Phước Thái trong xây dựng NTM. Nhận xét về kết quả thực hiện ở Thái Hòa, đồng chí Lưu Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã nói: Nếu năm nay tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ, nhân dân Phước Thái sẽ sẵn sàng đóng góp thực hiện bê-tông hóa các tuyến đường, tuyến mương theo như cách làm ở Thái Hòa. Cách làm đó thể hiện tạo sự đồng thuận, tự nguyện, sẵn sàng hiến đất, hiến công của người dân trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng NTM.
Bạch Thương