Ưu tiên phát triển các ngành Công nghiệp có lợi thế

(NTO) Phát triển công nghiệp của tỉnh được định hướng và xác định rõ là một trong 6 trụ cột phát triển kinh tế-xã hội, là một trong 4 nhóm ngành cơ bản tạo bứt phá tăng trưởng kinh tế: Tập trung phát triển công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh, có giá trị gia tăng cao để tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Theo đó, ngành Công nghiệp của tỉnh thời gian qua có những bước phát triển quan trọng, đúng hướng, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo luôn giữ vai trò động lực cho tăng trưởng ngành Công nghiệp, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2006-2010 là 11,9%/năm, trong đó tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 74,8% giá trị toàn ngành. Từ năm 2011 – 2013, mặc dù gặp suy thoái kinh tế nhưng tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 14,6%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 ước đạt 2.178 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994) tăng 12,1% so với năm 2012; công nghiệp chế biến chiếm 71,7% giá trị toàn ngành, đóng góp 2,2% cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy so với kế hoạch chưa đạt, nhưng cơ bản công nghiệp đang từng bước khẳng định vai trò, trở thành ngành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 
Khai thác và chế biến đá Granite xuất khẩu ở Công ty TNHH Tân Sơn Hoa Cương.  
Ảnh: Văn Miên

Có thể khẳng định những năm gần đây DN nói chung và DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.780 DN hoạt động trên các lĩnh vực thương mại – dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và nông –lâm– thủy sản. Trong đó có một số DN có quy mô khá, tập trung vào lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến nông-lâm-thủy sản. Riêng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản: khoảng 119 DN, đã giải quyết được 7.220 lao động, tạo ra giá trị sản xuất năm 2013 ước đạt 1.577 tỷ đồng, tăng 32% so năm 2010, tăng trưởng bình quân 9,8%/năm.

Nhiều DN trong tỉnh đã chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể như: đầu tư công nghệ cắt tách hạt điều tự động từ 60-80 tấn/ngày tăng lên 120-130 tấn/ngày; chế biến tinh bột mỳ từ 8.000 tấn/năm tăng lên 12.000 tấn/năm; sản xuất đường nâng công suất ép mía lên 12.000 tấn mía/ngày; phát triển mạnh ngành sản xuất muối công nghiệp với quy mô sản xuất lớn nhất cả nước với trên 3.900 ha, sản lượng muối chế biến đạt trên 85 ngàn tấn; Công ty TNHH May Tiến Thuận đã đầu tư và duy trì ứng dụng công nghệ chuyền LEAN với 26 chuyền (tăng 7 chuyền so năm 2010) sản xuất-gia công bình quân 1,4 triệu sản phẩm/năm...

Hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh được nâng lên đáng kể, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng thu ngân sách.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, toàn ngành Công nghiệp sẽ đóng góp khoảng 12% GDP và giải quyết 13% lao động của tỉnh và tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 24-27%, ngành Công Thương phối hợp với các ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh, có giá trị gia tăng cao. tạo sự tăng trưởng đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chế biến có lợi thế: công nghiệp sản xuất muối (muối công nghiệp, muối cao cấp, chế biến muối tinh, muối iốt...), hóa chất sau muối (Xút Magiê, Clo,...), công nghiệp chế biến thực phẩm (nhân hạt điều, đường RS, tinh bột mỳ, tôm đông lạnh, thịt gia súc-gia cầm), sản phẩm đồ uống (bia, nước yến, rượu nho,...) và công nghiệp chế biến khoáng sản (xỉ titan, đá granite,...), phát triển công nghiệp phụ trợ phụ vụ cho công nghiệp chế biến và thiết bị phục vụ sản xuất điện.

Thời gian qua, ngành Công Thương đã có những nỗ lực trong việc xây dựng các quy hoạch phát triển của ngành, qua đó đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp tỉnh giai đoạn 2011-2020; quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; quy hoạch hệ thống bán lẻ xăng dầu; quy hoạch phát triển điện lực, điện gió đến năm 2020.

Trong công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển các lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu thuộc ngành, chú trọng phát triển công nghiệp ở những ngành, những sản phẩm mà tỉnh có lợi thế, nhất là công nghiệp chế biến; tạo sự kết nối không gian quy hoạch công nghiệp tỉnh với vùng, khu vực qua các chương trình hợp tác 3 tỉnh: Ninh Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hoà; chương trình liên kết phát triển các tỉnh Duyên hải miền Trung. Ngoài ra, ngành Công Thương còn tích cực tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực như: hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại; phối hợp quản lý hoạt động các cụm công nghiệp; quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; quản lý chợ trên địa bàn tỉnh...Tổ chức các hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại quốc tế, hỗ trợ cho các đơn vị tham gia hội chợ các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên; tổ chức tuyên truyền, vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người sản xuất và người tiêu dùng; góp phần bình ổn và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh. Sản xuất chế biến nông-lâm-thủy sản là ngành có lợi thế phát triển của tỉnh, song cần gắn với phát triển vùng nguyên liệu, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, cải tiến công nghệ, đổi mới máy móc thiết bị,…nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng và phát triển thị trường, chú trọng phát triển thị trường xuất khẩu.

Để phát triển mạnh mẽ ngành Công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến nói riêng, trong năm 2014 và những năm tiếp theo, các ngành, địa phương cần quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và xúc tiến đầu tư bằng những hoạt động cụ thể như: Bên cạnh công tác tham mưu về cải cách hành chính, công tác lập và tổ chức thực hiện đúng các quy hoạch, xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư trên địa bàn, tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, cần tập trung, nâng cao năng lực thẩm định, thẩm tra dự án để chọn được nhà đầu tư có khả năng tài chính và quyết tâm theo đuổi dự án; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chuẩn bị dự án thật tốt, mời gọi đầu tư phải cụ thể, chọn lọc. Lựa chọn đúng nhà đầu tư có tâm huyết, có nhu cầu đầu tư để tiến hành đầu tư mời gọi trực tiếp; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tìm hiểu và thực hiện nhanh, có hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư; trước mắt tập trung mời gọi đầu tư các dự án có lợi thế của tỉnh: công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, chế biến muối và công nghiệp phụ trợ ngành năng lượng tái tạo.