Ninh Phước: Tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế

(NTO) Năm 2013, Đảng bộ và nhân dân huyện Ninh Phước đã đoàn kết một lòng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khắc phục những khó khăn, hạn chế, tạo bước đột phá về phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đạt được những thành tích quan trọng.

Là huyện thuần nông, với tổng diện tích tự nhiên 342,3 km2, trong đó diện tích đất canh tác nông nghiệp hàng năm có gần 26.000 ha, Ninh Phước xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo sự đột phá về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là cây lương thực, nhằm  nâng cao năng suất, giá trị hàng hoá. Trong năm 2013, huyện Ninh Phước đã triển khai 24 mô hình phát triển kinh tế trên lĩnh vực nông-lâm-thuỷ sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra nhiều hướng phát triển kinh tế mới trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trung tâm huyện Ninh Phước. Ảnh: Thanh Long

Điển hình, như mô hình “1 phải 5 giảm” trên cây lúa tăng nhanh, toàn huyện có 982,7 ha lúa (tăng 846 ha, so với năm 2012), với năng suất bình quân đạt 73 tạ/ha, cá biệt có 15 ha tại 2 xã Phước Thái và Phước Hậu năng suất đạt 80 - 90 tạ/ha. So với mô hình truyền thống, thu nhập tăng thêm 7,3 triệu đồng/ha. Hay mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm như bắp, nuôi heo tập trung quy mô từ 600 – 2.000 con/trại tại xã Phước Vinh (lợi nhuận 1 triệu đồng/con/6 tháng); mô hình sản xuất giống dê lai Bachboer tại xã Phước Hậu với quy mô 4.000 con/118 hộ (lợi nhuận bình quân sau khi trừ chi phí là 52 triệu đồng/hộ). Các mô hình đều đạt hiệu quả cao, được nông dân ứng dụng và đang tiếp tục đầu tư nhân rộng.

Bên cạnh đó, lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất giống thuỷ sản tiếp tục đóng vai trò quan trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Trên quy hoạch tổng thể của tỉnh, huyện cũng đã tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại diện tích nuôi tôm thương phẩm và khu vực sản xuất tôm pots ở vùng chuyên canh An Hải-Phước Hải. Qua đó, hình thành các vùng nuôi tập trung cho hiệu quả cao về nhiều mặt: kinh tế, môi trường, xã hội… Năm 2013, diện tích nuôi tôm thịt 156 ha, đạt 106,9% kế hoạch năm, sản lượng 1.400 tấn, đạt 116,9% kế hoạch năm; có 72 trại tôm giống đang hoạt động, xuất bán 7.725 triệu con Post.15, vượt 7% kế hoạch năm.

Hệ thống giao thông nội đồng xã Phước Hữu được đầu tư bê tông đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất của nông dân.
Ảnh: Sơn Ngọc

Cùng với đó, Ninh Phước tập trung lãnh đạo và huy động cả hệ thống chính trị, nhân dân trên địa bàn tỉnh tập trung vào chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài số vốn 12 tỷ đồng được tỉnh phân bổ, toàn huyện đã huy động sức dân đóng góp gần 400 triệu đồng, hàng trăm m3 đất, đá đắp đường và tự nguyện hiến trên 5.000m2 đất để xây dựng các công trình nông thôn mới. Hạ tầng nông thôn ở những vùng sản xuất trọng yếu đã được giải quyết, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Cùng với tập trung phát triển các mô hình sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, đến nay Ninh Phước đã có 4 xã: Phước Thái, Phước Vinh, Phước Sơn và Phước Thuận đạt 8/19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 5-7 tiêu chí. Ngoài ra, huyện cũng tập trung quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng, giao thông, vỉa hè, cây xanh, vệ sinh môi trường, bộ mặt thị trấn Phước Dân đã “thay da đổi thịt” xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế-văn hoá-xã hội của huyện Ninh Phước.

Nhìn chung, nền kinh tế của huyện Ninh Phước đã tăng trưởng khá, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 1.650 tỷ đồng (trong đó, ngành Nông nghiệp chiếm tỷ trọng 47,9%, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 20,26% và thương mại-dịch vụ chiếm 31,84%), tăng 12,64%; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 108.450 tấn, tăng 12,89%; thu ngân sách nhà nước 28,2 tỷ đồng, vượt 0,9% kế hoạch so với năm 2012.

Nông dân huyện Ninh Phước đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ảnh: Văn Miên

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá là điều kiện thuận lợi để Ninh Phước quan tâm và đầu tư vào các lĩnh vực xã hội, chăm lo an sinh xã hội cho người dân. Tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,36% (chuẩn mới). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 15%. Giải quyết việc làm cho 2.603 lao động. Tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh đạt 88%. Cấp 27.749 thẻ Bảo hiểm y tế cho người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn tại 2 xã Phước Vinh và Phước Thái. Hỗ trợ xây dựng 45 nhà Đại đoàn kết với tổng kinh phí 900 triệu đồng cho hộ nghèo. Cán bộ, nhân dân toàn huyện tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, tạo động lực thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, khẳng định: “Thành quả phát triển KT-XH đạt được trong năm 2013 là động lực quan trọng, tạo tiền đề cho huyện Ninh Phước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH cả giai đoạn 2011-2015. Năm 2014, huyện tập trung chỉ đạo khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế, tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện đồng bộ và có các giải pháp mang tính đột phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”.

Đồng chí Phạm Văn Hậu,
Bí thư Huyện ủy Ninh Phước:

Trong năm 2014, Ninh Phước tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; gắn việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với việc tổ chức tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động bằng những việc làm cụ thể trong từng ngành, từng địa phương và từng cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh tổ chức đối thoại giữa các cấp, các ngành với cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong huyện. Tập trung khắc phục có hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); xác định năm 2014 là năm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Tăng cường hoạt động giám sát của HĐND; phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể trong thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và địa phương đề ra nhất là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tâm, đồng lòng tham gia xây dựng nông thôn mới.