Thuận Nam: " Đánh thức" tiềm năng

(NTO) Nhìn trên tổng thể, Thuận Nam được đánh giá là huyện “trẻ” của tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế- xã hội. Vùng đất hội tụ những tiềm năng hứa hẹn tạo cho Thuận Nam một sức vóc mới trong tương lai.

Thế mạnh kinh tế biển

Với bờ biển dài, ngư trường rộng lớn, hệ thống cảng cá sẵn có, Thuận Nam phát huy tối đa tiềm năng kinh tế biển. Cùng với khai thác đánh bắt hải sản, các nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá đã mang lại nguồn kinh tế dồi dào, đời sống người dân 3 xã ven biển là Phước Dinh, Phước Diêm và Cà Ná được nâng cao. Hiện nay, toàn huyện có 1.005 tàu thuyền, với tổng công suất 138.659 CV, sản lượng khai thác hải sản năm 2013 đạt 41.000 tấn. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng tạo ra giá trị kinh tế cao với diện tích đang thả nuôi 297 ha (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng); xuất bán 1.583 triệu con tôm giống; và gần 100 ha diện tích mặt nước nuôi trồng rong sụn cho sản lượng khoảng 1.900 tấn/năm. Sản lượng hải sản khai thác không những cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn là nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu và hơn 500 cơ sở chế biến nước mắm, cá khô, cá hấp trên địa bàn với sản lượng cá hấp đạt 1.500 tấn và 5 triệu lít nước mắm mỗi năm.

Tuyến đường ven biển (đoạn Mũi Dinh - Cà Ná).Ảnh: ML
Năm 2014, bên cạnh chú trọng nâng giá trị ngành nông nghiệp, thủy sản, Thuận Nam sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành công nghiệp, phát huy hiệu quả các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, các ngành công nghiệp mũi nhọn.

Đồng chí Võ Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: “Khai thác thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển của địa phương. Mục tiêu đến năm 2015, sản lượng khai thác đạt 47.000 tấn, sản xuất 1.700 triệu con tôm post, phát triển diện tích nuôi tôm thịt 465 ha, với sản lượng 4.630 tấn; 370 ha rong sụn, sản lượng 4.000 tấn. Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Thuận Nam đã đề ra các giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung tổ chức quản lý và khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện có của ngành thủy sản; ứng dụng khoa học- công nghệ mới trong khai thác và nuôi trồng thủy sản. Thu hút, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu, phát triển hậu cần nghề cá; nhân rộng mô hình tổ đoàn kết nuôi trồng thủy sản và đánh bắt hải sản xa bờ. Khuyến khích ngư dân chuyển đổi hình thức đánh bắt theo hướng kiêm nghề, phù hợp mùa vụ, ngư trường và thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao năng suất khai thác hải sản.

Nông dân xã Phước Dinh thu hoạch tôm thẻ chân trắng cung cấp nguyên liệu chế biến thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, khi dự án đường ven biển đoạn Mũi Dinh-Cà Ná hoàn thành đi qua 3 xã Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná sẽ tạo động lực cho Thuận Nam phát triển kinh tế- xã hội, sắp xếp lại dân cư ven biển, củng cố quốc phòng, an ninh và khai thác thế mạnh kinh tế biển phục vụ công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch. Trong một tương lai không xa, du lịch biển Thuận Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

Tiềm năng công nghiệp

Qua kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện chiếm tỷ trọng 42,6% trong cơ cấu kinh tế, điều này cho thấy kinh tế Thuận Nam đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp. Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, thì Thuận Nam nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh. Trong đó, giai đoạn đầu đến năm 2020, sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành công nghiệp mang tính mũi nhọn. Điều này là có cơ sở, vì trên thực tế Thuận Nam đã hình thành Khu công nghiệp Phước Nam và xác lập 2 Cụm công nghiệp Hiếu Thiện và Dốc Hầm phục vụ ngành công nghiệp khai khoáng và sản xuất. Nguồn tài nguyên khoáng sản đáng kể nhất là trữ lượng đá xây dựng 368,8 triệu m3, đá ốp lát 9,5 triệu m3; đá Granite khoảng 64.000 m3 và đất sét để sản xuất gạch rộng gần 4 ha đang khai thác và sử dụng hợp lý. Bên cạnh đó, dự án Nhà máy điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời; khai thác và chế biến Titan… cũng góp phần tạo ra năng lực mới, giá trị mới cho huyện. Trước mắt, tập trung tăng trưởng chủ yếu ngành xây dựng và một số ngành công nghiệp, thương mại-dịch vụ, để đến năm 2015 phấn đấu đưa giá trị sản xuất ngành công nghiệp- xây dựng lên 1.253 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 44,8%; nâng cao thu nhập bình quân đầu người từ 8,3 triệu đồng/người/năm lên 24,7 triệu đồng/người/năm.

Mùa khai thác cá vụ Nam của ngư dân xã Cà Ná, huyện Thuận Nam. Ảnh: Sơn Ngọc

Đồng chí Võ Văn Tiến cho biết thêm: Năm 2014, bên cạnh chú trọng nâng giá trị ngành nông nghiệp, thủy sản, Thuận Nam sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành công nghiệp, phát huy hiệu quả các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, các ngành công nghiệp mũi nhọn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của quốc gia, tỉnh, huyện như Nhà máy điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời; dự án thăm dò, khai thác và chế biến Titan; Khu công nghiệp Phước Nam, Cụm công nghiệp Hiếu Thiện, dự án chế biến muối cao cấp và nhà máy chế biến sản phẩm từ cây neem. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Cà Ná; quy hoạch khu thủy sản tập trung ở Cà Ná, Phước Diêm và Phước Dinh. Tuy nhiên, do là huyện mới tái lập nên kết cấu hạ tầng còn thấp, ảnh hưởng đến khai thác tiềm năng, thế mạnh và chưa tạo được sự hấp dẫn đối với các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Nhưng trên cơ sở phân tích tính khả thi của các dự án đầu tư đang và sẽ triển khai thực hiện trên địa bàn huyện theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Thuận Nam sẽ có những bước đi vững chắc nhằm xây dựng huyện thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Bí thư Huyện ủy Thuận Nam:

Qua ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2011-2015), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Nam đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn, tranh thủ thời cơ, nỗ lực phấn đấu và giành được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, đã có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so nghị quyết Đại hội đề ra. Riêng trong năm 2013, tổng giá trị sản xuất các ngành trong năm ước đạt 1.399,8 tỷ đồng. Trong đó, nông- lâm- thủy sản đạt 638 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,6% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế; thương mại - dịch vụ đạt 165,5 tỷ đồng, chiếm 11,8%; công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt 596,3 tỷ đồng, chiếm 42,6%.

Bước sang năm 2014, huyện Thuận Nam tiếp tục đẩy nhanh tốc độ thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra; đồng thời rà soát các chỉ tiêu xuyên suốt nhiệm kỳ. Xác định những lợi thế mới từ dự án đường ven biển, cùng các dự án trọng điểm như Nhà máy điện hạt nhân, các dự án điện gió, dự án khu công nghiệp Dốc Hầm… đang trong quá trình đầu tư sẽ là điều kiện thúc đẩy nền kinh tế huyện Thuận Nam từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và xây dựng. Để đạt được mục tiêu đề ra, Đảng bộ huyện tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Trên lĩnh vực kinh tế, huyện sẽ đẩy nhanh quy hoạch phát triển kinh tế vùng, địa phương, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, giúp nhà đầu tư đăng ký và triển khai nhanh dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Trong đó ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp bảo quản, chế biến thủy sản, giải quyết đầu ra sản phẩm hàng hóa cho nông dân, hình thành các vùng hàng hoá tập trung, làng nghề truyền thống.

Với phương châm “Chú trọng phát huy nội lực, khai thác các tiềm năng thế mạnh, tranh thủ mọi nguồn lực bên ngoài, tập trung phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện Thuận Nam nỗ lực xây dựng huyện nhà trở thành vùng kinh tế công nghiệp trọng điểm phía Nam của tỉnh.