Công tác xã hội hóa giáo dục của Thái Lan

(NTO) Vừa qua, Đoàn chúng tôi gồm 60 anh chị em của 3 tỉnh Lào Cai, Ninh Thuận và ĐăkNông. Trong đó, Ninh Thuận có 18 người là Hiệu trưởng các Trường TH và THCS xã Phước Tân (Bác Ái) và xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) được Tổ chức Oxfam Anh tại Hà Nội tài trợ tham quan, học tập về công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục tại Thái Lan trong thời gian 1 tuần.

Đến Thái Lan, Đoàn chúng tôi được đưa tới thăm Trung tâm Hỗ trợ phát triển Kỹ năng sống tại Trường Nong Gerd, tỉnh Lam Phun; Trường Ban Doi Khum, tỉnh Chiang Mai; Trung tâm Học tập Cộng đồng MêPhaLuông (tên của Mẹ Vua) và Trường THCS Ban Hong, tỉnh Chiang Rai.

Qua tìm hiểu, hệ thống giáo dục của Thái Lan từ Bộ có Ủy ban Giáo dục cấp quốc gia, tới văn phòng sở phụ trách 185 cơ sở trường. Tỉnh Lam Phun có 8 huyện, chia làm 2 khu vực (mỗi khu vực gồm 4 huyện có 1 phòng giáo dục); 30 năm trước, sau Chương trình cải cách giáo dục của Thái Lan, có các Ban Giáo dục bao gồm nhà chùa, các nghệ nhân và nhà trường cùng tham gia. Cứ 1 - 2 làng có 1 ngôi chùa và 1 trường học. Các trường xây dựng kế hoạch 4 năm và hàng năm đều thông qua Ban Giáo dục cộng đồng để hỗ trợ cho nhà trường, nhà trường cần vấn đề gì, Ban Giáo dục cùng bàn biện pháp và giải quyết: Lấy học sinh làm trung tâm; hướng dẫn trẻ kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động trong nhà trường, giúp các em vừa học vừa thực hành….

Phần lớn các trường bao gồm học sinh từ Mầm non đến hết bậc TH; một số trường có các lớp THCS do học sinh ở quá xa Trường THCS. Thái Lan nằm trong Khu vực ASEAN nên tất cả các cấp học đều phải học thông tin về các nước trong khu vực như Quốc huy, Quốc hoa, ẩm thực, tiền, trang phục, ngôn ngữ cơ bản của từng nước và tiếng Anh để giao tiếp khi có khách đến thăm trường… Chiến lược phát triển giáo dục của Thái Lan sử dụng mạng lưới công nghệ thông tin, mạng nội bộ, phối hợp chặt chẽ với các già làng, trưởng bản hỗ trợ nhà trường dạy văn hóa truyền thống của địa phương, nghề truyền thống, nghề nông… cho học sinh. Chương trình sách giáo khoa dựa vào nhu cầu của học sinh, lồng ghép các kỹ năng, phát triển thói quen đọc sách, học âm nhạc truyền thống, dệt vải, làm các sản phẩm hoa nhựa, chăn nuôi gà, trồng rau…

Các trường hoạt động chủ yếu xã hội hóa từ cộng đồng, chương trình giáo dục được xây dựng bởi các giáo viên và những người thông thái trong cộng đồng: Nhà trường khảo sát nhu cầu của học sinh thông qua từng phiếu hỏi, các em tự trả lời, nhà trường phối hợp với cộng đồng giải quyết khi có vấn đề (luôn phân tích thông tin của từng học sinh); phối hợp giáo dục ý thức hoạt động cộng đồng cho học sinh trở thành những công dân Thái tích cực, tham gia làm vệ sinh trong sân trường, trong lớp học… 5 phút trước khi vào lớp học nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống chung quanh, bảo vệ rừng và môi trường học tập của các em. Nhà trường thường dạy các cháu mẫu giáo, lớp 1, lớp 2 nâng cao kỹ năng đọc qua các bài hát karaoke, hướng dẫn học sinh lớp lớn hỗ trợ học sinh lớp nhỏ cùng tiến, tham gia Chương trình “Chúng em làm cảnh sát” do Cảnh sát địa phương phụ trách, trang bị cho các em ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, phòng chống ma túy, tội phạm… Sau mỗi nội dung học, các em được thực hành các kỹ thuật trồng nấm, làm cờ Tổ quốc, làm các sản phẩm bán tại chợ ở địa phương… Với nội dung lấy học sinh làm trung tâm dựa trên những sở thích và năng lực của các em, từ đó học sinh rất tự giác khi tham gia vào các hoạt động của nhà trường, kết quả học tập đạt cao hơn, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động cho học sinh… qua đó, các em cảm thấy được sống trong một môi trường học tập an toàn.

Chuyến đi đã giúp tất cả các thành viên trong đoàn có nhiều kinh nghiệm, hướng áp dụng vào từng địa bàn, từng ngôi trường trong công tác xã hội hóa giáo dục ở địa phương trong thời gian tới…