Muốn hưởng ưu đãi, phải xây dựng vùng nguyên liệu
Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ có hiệu lực từ 10/2/2014. Theo đó, để được hỗ trợ đầu tư và hưởng ưu đãi, doanh nghiệp phải thực hiện đúng ba nguyên tắc.
Nuôi 500 con bò sữa cao sản sẽ được hỗ trợ 5 tỷ đồng/dự án
Thứ nhất, nhà đầu tư khi xây dựng vùng nguyên liệu mà có hợp đồng liên kết sản xuất nguyên liệu ổn định với người dân được ưu tiên trước xem xét ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.
Thứ hai, trong cùng một thời gian, nếu doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng nhiều mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư khác nhau thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có lợi nhất.
Thứ ba, các dự án đã sử dụng vốn tín dụng ưu đãi, vốn bảo lãnh tín dụng của Nhà nước không thuộc đối tượng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách quy định tại Nghị định này.
Được giảm 70% tiền sử dụng đất.
Theo đó, về đất đai, nhà đầu tư được miễn tiền sử dụng đất nếu có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư. Trường hợp dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư thì được giảm 70% tiền sử dụng đất. Còn đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư được giảm 50% tiền sử dụng đất.
Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động...
Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động.
Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 11 năm đầu kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động.
Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho công nhân, đất trồng cây xanh và đất phục vụ phúc lợi công cộng.
Hỗ trợ 5 tỷ đồng/dự án
Cụ thể, nhà đầu tư có dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung công nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ thấp nhất 2 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị.
Trường hợp dự án chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước đến hàng rào dự án thì còn được hỗ trợ thêm 70% chi phí và không quá 5 tỷ đồng đầu tư xây dựng các hạng mục trên.
Để hưởng ưu đãi này, các dự án đầu tư phải đáp ứng công suất giết mổ một ngày đêm của mỗi dự án phải đạt tối thiểu 400 con gia súc hoặc 4.000 con gia cầm hoặc 200 gia súc và 2.000 con gia cầm. Dự án phải nằm trong khu quy hoạch tập trung, phải sử dụng tối thiểu 30% lao động tại địa phương.
Đối với chăn nuôi, các dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc có quy mô nuôi tập trung được ngân sách nhà nước hỗ trợ 3 tỷ đồng/dự án. Riêng đối với chăn nuôi bò sữa cao sản mức hỗ trợ là 5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng, đồng cỏ và mua thiết bị.
Các dự án chăn nuôi phải có quy mô chăn nuôi thường xuyên tập trung từ 1.000 con trở lên đối với lợn thịt; hoặc từ 500 con trở lên đối với trâu, bò, dê, cừu thịt; hoặc từ 200 con đối với bò thịt cao sản nhập ngoại; hoặc từ 500 con đối với bò sữa cao sản. Đồng thời, cũng phải nằm trong quy hoạch, đảm bảo an toàn dịch bệnh và sử dụng tối thiểu 30% lao động tại địa phương.
Cũng theo Nghị định 210, nhà đầu tư có dự án đầu tư nuôi trồng hải sản tập trung trên biển hoặc ven hải đảo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng cho 100m3 lồng nuôi đối với nuôi trồng hải sản ở vùng biển xa cách bờ trên 6 hải lý hoặc ven hải đảo; hỗ trợ 40 triệu đồng cho 100m3 lồng đối với nuôi trồng hải sản ở vùng biển gần bờ...
Nguồn VOV.VN / Báo Đầu tư