Chẳng biết trời ân sủng hay vì một mối thâm tình bền chặt, cây hành gắn bó với người làm màu quê tôi như những người bạn vong niên, chỉ một chút xa là rớm mắt. Giống như nhiều cây cằn cỗi, cây hành sống được ở vùng đất này suốt năm, suốt tháng, độ chừng ba con trăng là tròn vụ. Nhưng để dồn sức cho mùa vụ Tết, người làm hành quê tôi thường tập trung cho vụ thu hoạch vào những ngày tháng Chạp.
Cây hành tím được mùa, được giá nâng cao đời sống người dân vùng hành tỏi huyện Ninh Hải.
Đó cũng là quãng thời gian đong đầy ký ức cho tuổi thơ tôi…
Hai mươi, hai lăm năm trước… là những tháng ngày tôi cùng quê hương lớn lên trong những âm vang đất nước rục rịch đổi mới. Gọi là rục rịch vì mọi thứ chỉ mới manh nha ý tưởng. Đời thực vẫn còn nhiều nhọc nhằn, lắm khó khăn. Thuở ấy, chẳng lạ gì khi một thằng bé con một buổi đi học, một buổi ra đồng; hay mót lúa ngày hè, mót hành những ngày giêng hai, chạp Tết.
Đời ân nghĩa thế nào, càng khốn khó, người ta vẫn có cách nương tựa nhau mà sống. Đi mót là nhặt của còn sót lại, nhưng lắm khi chợt nghĩ, đó còn là…quà để dành mà người hái quả để lại cho người mà đời chưa kịp chia phần. Tôi nhớ những buổi mùa đông trời se se gió đồng, ngồi lê la trên từng luống hành. Người hái hành xới từng bụi, nhặt từng củ. Người mót hành theo sau lại xới, lại kiếm tìm. Đôi khi, người mót hành tìm được cũng khá, đủ để thấy vui với công sức của mình. Chủ rẫy thu hoạch được nhiều, cũng có hề gì trước niềm hân hoan của dân kiếm mót. Đôi khi, người mót hành con trẻ như chúng tôi còn được chủ gọi lại dúi cho ít mớ vào túi.
Chiều nay, Bấc về khe khẽ nơi xứ lạ, giấc mơ lại trôi tôi về với những ký ức thanh trong. Cái quê nhà xa xa trong ngày độ giáp năm hăng hắc mùi hành khắp xóm. Sân trước, sân sau nhà nào cũng đỏ au hành với hành. Không có hành để phơi từng mảnh, người mót hành cũng “trưng hàng” từng khóm nhỏ, be bé nơi lối đi phơi nắng trước khi làm món.
Hành phơi hơi khô, ăn lúc nào cũng có vị ngọt, lịm ít hăng hơn nhiều. Đời quả thực chẳng biết rủi, may là thế nào! Chỉ là dân mót hành nhưng bữa cơm gia đình tôi thuở đó thường có thêm món hành luộc chắm mắm. Hành nóng, lại quyện cùng hương vị của nước mắm quê mình dường như trở nên ngon và hấp dẫn lạ kỳ hơn.
Niềm vui trúng mùa hành tím của nông dân xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải. Ảnh: Sơn Ngọc
Giờ thì người làm hành ở quê cũng không còn nhiều, vì người làm màu đã có nhiều lựa chọn để “đầu tư”. Nhưng những nhà, những làng đã “tri kỷ” với hành thì cũng khó mà bỏ. Đồ rằng, hành cho mùa Chạp năm nay giờ chắc cũng bắt đầu rũ lá, tập trung nuôi củ. Những luống hành lúc này như bãi lau vừa qua trận lụt, ủ rượi, tả tơi. Nhìn vậy đó, nhưng trong lòng người làm hành luôn tràn ngập niềm hi vọng và hân hoan cho ngày xới đất lấy hành đem phơi.
Cuộc điện thoại về nhà không đủ thời gian để tôi kể lể về ký ức dành cho mùa hành trụi lá. Sau phút chùng lòng, chúng tôi cùng bật cười trước những xác tín dành cho cuộc đời. Mọi thứ đều phải lao về phía trước, buộc phải lao về phía trước! Bạn tôi cất lời cho những giấc mơ no đủ! Dẫu là hành tím quay quắc ký ức tuổi thơ tôi, hay bất cứ cây gì mà những người bạn kỹ sư nông nghiệp của tôi đang miệt mài kiếm tìm thì cuộc hành trình đi đến ngày mai của dân xứ mình cũng sẽ không còn lầm lũi… Hơn hai mươi, hai mươi lăm năm, dân làm màu xứ Phan Rang cũng đang có những bước đi đủ đầy!
Tôi phiêu bạt xứ người. Khốn khổ thế nào, nơi này hành đắt đỏ đến xót mắt. Đôi khi nhớ lại cái niềm hạnh phúc xa lăng lắc mà mình đã từng có, tôi nhịn lại vài củ ủ mầm rồi đem trồng vào chậu cảnh ngoài lan can. Hành của tôi thường không nẩy nở bằng hành quê vì đất và vì thời tiết, cái thứ mà trời vốn dĩ chỉ dành cho dân mình. Dẫu có gì thì thế cũng đã đủ để thấy lòng mình được gần với những ngày tháng cũ…
Nhìn cây hành ngoài chậu rũ lá, tôi thèm được nhìn những luống hành khô lá như những ngày xưa. Cảm ơn đời và quê hương, mảng ký ức đẹp đưa tôi đến với những giấc mơ đủ đầy!
Trọng Hiểu
Nagoya, Nhật Bản