Dạo qua một số chợ nông thôn thuộc địa bàn huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước, có thể thấy những mặt hàng được bày bán tại các chợ đều là những mặt hàng đơn giản, thiết yếu nhất, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của người dân như: các loại thực phẩm tươi sống hoặc đã qua chế biến; các loại rau, củ, quả; đồ gia dụng; quần áo, giày dép… Chị Mai Thị Hậu, ở xã Bắc Phong (huyện Thuận Bắc) cho hay: Chị em bảo nhau đi chợ thì nên chọn hàng Việt Nam để mua. Nhưng nhiều khi muốn mua các mặt hàng của các thương hiệu Việt quảng cáo mà ở chợ không bán, chỉ thấy nhiều loại nhãn mác “lơ lớ” hàng thật nên không yên tâm. Quả thật, mặt hàng Việt bị làm giả, làm nhái, kém chất lượng vẫn được bày bán nhiều tại các chợ nông thôn trong tỉnh.
Hàng Việt ở chợ nông thôn.
Nắm bắt được tâm lý “chuộng hàng nội” của bà con, nhiều tiểu thương cũng nhập các mặt hàng có xuất xứ trong nước, song để kiếm lời, họ sẵn sàng nhập bán những loại hàng giả, hàng nhái và tự bày ra các “chiêu trò” như đề biển “hàng khuyến mãi”, “hàng giảm giá” để hút khách. Tại chợ Lương Cách (huyện Ninh Hải), sạp bán các loại băng đĩa lậu, đã qua sao chép, bán với giá chỉ bằng 20% giá đĩa thật...vẫn có một vị trí ngồi “đắc địa” ngay trước cổng chợ. Tại chợ Gò Sạn (huyện Thuận Bắc) và chợ Hữu Đức (huyện Ninh Phước) các mặt hàng mỹ phẩm như dầu gội đầu, kem đáng răng, bột giặt, sữa rửa mặt… được “nhái lại” bằng cách giả bao bì, nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng như Rjoice, Miwon, Ajinomoto, Omo, Romano, Doreen, Vedan… giá rất rẻ. Chị Nguyễn Thị Ngọc (xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) cho hay: Trong một lần mua 12 nghìn cho 1 bịch (30 gói dầu gội đầu in nhãn Rejoice, không ghi hạn sử dụng) mà người bán tại chợ nói là hàng khuyến mãi; gội được mấy lần thì thấy đầu tự nhiên ngứa và rụng nhiều nên đành phải vất bỏ.
Ông Nguyễn Hữu Hoành, Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Hiện nay chợ nông thôn thường giao cho địa phương quản lý, các địa phương chủ yếu lo công tác thu phí chợ chứ không có cán bộ phụ trách, có chuyên môn để quản lý, kiểm tra chất lượng hàng hóa. Các chợ quê lại không có ban quản lý chợ nên chủ yếu mua bán theo thói quen. Một số đối tượng lợi dụng để đưa hàng trôi nổi, kém chất lượng, quá hạn sử dụng về tiêu thụ. Để chấn chỉnh tình trạng này, ngành Công Thương đã tăng cường công tác tuyên truyền các quy định về chất lượng hàng hóa, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức trong việc lựa chọn sản phẩm hàng hóa chất lượng. Mặt khác, giao cho các Tổ quản lý thị trường cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Không thể phủ nhận một số mặt hàng sản xuất trong nước có chất lượng tốt không kém hàng ngoại, giá cả phải chăng hơn được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng. Tuy nhiên, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại các chợ nông thôn vẫn là một vấn đề nan giải và người tiêu dùng dường như vẫn còn thờ ơ với tình trạng này. Để lựa chọn hàng hóa đảm bảo chất lượng, tránh “tiền mất, tật mang”, người dân khi mua hàng cần phải kiểm tra kỹ nhãn mác đăng ký chất lượng sản phẩm, thời hạn sử dụng. Khi có thông tin, phát hiện về hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại thì kịp thời báo cho chính quyền địa phương và ngành chức năng xử lý, ngăn chặn.
Anh Tuấn-Nguyễn Tuyến