Hội nghị là diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao giữa Bộ NNPTNT, các ngành liên quan với cộng đồng các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội liên quan đến ngành Nông nghiệp.
Các đại biểu tập trung thảo luận về cơ hội, thách thức của nông nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, đồng thời thu thập các khuyến nghị, giải pháp, kinh nghiệm về hội nhập kinh tế của ngành nông nghiệp nhằm bổ sung hoàn thiện chiến lược hội nhập kinh tế của ngành đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê quyệt.
Hội nghị toàn thể ISG 2013. Ảnh VGP/Đỗ Hương
Ông David Shear, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và ông Jong Ha Bea, Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cùng cộng đồng các nhà tài trợ, nhà đầu tư đánh giá cao những kết quả mà ngành Nông nghiệp Việt Nam đạt được trong thời gian qua. Kết quả này không những giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định mà còn góp phần đảm bảo vấn đề an ninh lương thực của thế giới.
Trong thời gian tới, Hoa Kỳ và Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc sẽ cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục giúp đỡ, và hỗ trợ cho Việt Nam giải quyết những thách thức của hội nhập nhất là vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp mà ngành đang triển khai.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết sau 6 năm gia nhập WTO và tham gia các khu vực mậu dịch tự do, thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam không ngừng được mở rộng.
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản liên tục tăng ngay cả khi kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng. Năm 2012 tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt 27 tỷ 500 triệu USD tăng 2,5 lần so với năm 2006. Việt Nam đã trở thành quốc gia có vị thế cao trên thị trường thế giới với một số mặt hàng nông sản chủ lực như: Lúa gạo, thủy sản, cà phê, hồ tiêu, điều, cao su.
Tuy nhiên, cùng với các cơ hội, quá trình hội nhập cũng tạo ra không ít thách thức đối với ngành, nhất là đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là nông dân, các nông hộ sản xuất nông nghiệp.
Bộ trưởng Phát cho biết hiện ngành Nông nghiệp đang tập trung triển khai sâu rộng tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững. Đây là giải pháp quan trọng, căn cơ nhất giúp nông nghiệp Việt Nam hội nhập một cách có hiệu quả. Bộ NNPTNT cũng đang xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020 tầm nhìn 2030 trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt nhằm tối đa hóa các lợi ích kinh tế quốc tế và giảm thiểu tác động tiêu cực rủi ro cho nông dân Việt Nam.
Nguồn www.chinhphu.vn