Tính từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã triển khai 24 mô hình ứng dụng tiến bộ KH-KT trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, chủ yếu tập trung vào sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Ông Lưu Ngọc Lễ, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam, cho biết: Việc ứng dụng KH-KT mới vào sản xuất được thực hiện dựa trên thế mạnh kinh tế của từng địa phương. Đối với các xã đồng bằng, miền núi, tập trung chuyển giao kỹ thuật canh tác mới trong trồng trọt, chăn nuôi. Các xã ven biển tập trung cho lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy sản.
Phát triển chăn nuôi cừu ở huyện Thuận Nam. Ảnh: Văn Thanh
Sau thời gian thí điểm, hầu hết mô hình đem lại hiệu quả cao, làm thay đổi tập quán sản xuất cũ của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều mô hình được nhân rộng và nông dân chủ động áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất, như mô hình sản xuất lúa giống Nhahoseed tại xã Phước Ninh; mô hình sản xuất lúa giống nguyên chủng tại xã Phước Nam; ứng dụng kỹ thuật ghép giống nho đỏ, giống nho NH01-48 trên gốc nho dại Couder 1613; mô hình thâm canh lúa nước ICM triển khai tại xã Phước Hà; mô hình tưới nước tiết kiệm; mô hình vỗ béo bò, dê, cừu; cải tạo giống cừu sinh sản… Là hộ tham gia mô hình chuyển giao bò sinh sản do huyện đầu tư, anh Đổng Chế Đỗ (ở thôn Vụ Bổn, xã Phước Ninh), cho hay: Lợi ích của việc Nhà nước đầu tư bò sinh sản để người dân nuôi và nhân giống là điều kiện giúp người dân phát triển chăn nuôi, tăng thêm thu nhập. Cán bộ còn hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăn nuôi, thú y, kiểm soát được dịch bệnh trên đàn gia súc.
Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, huyện đã triển khai nhiều mô hình sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Điển hình như mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn GAP được triển khai và nhân rộng tại xã Phước Dinh. Ban đầu, mô hình được triển khai thí điểm trên diện tích 0,2ha, cho thấy tỷ lệ tôm sống đạt cao hơn so với phương thức nuôi truyền thống. Nhờ kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguồn nước, con giống, thức ăn trong quá trình thả nuôi nên chất lượng tôm thương phẩm khi xuất bán đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, với quy trình nuôi khép kín, hạn chế được yếu tố lây lan bệnh trên con tôm từ ao này qua ao khác. Từ thành công bước đầu của mô hình, UBND xã Phước Dinh đã thành lập một tổ nuôi tôm an toàn, với quy mô 22,7ha/20 hộ tham gia. Thông qua mô hình, các hộ nuôi tôm được tập huấn kỹ thuật thả-nuôi tôm an toàn; hướng dẫn công tác kiểm soát bệnh; cải tạo ao nuôi, góp phần bảo vệ bền vững môi trường nuôi trồng thủy sản. Ngoài ứng dụng KH-KT trên con tôm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn liên kết với đơn vị cấp tỉnh triển khai thí điểm trồng rong sụn trong lồng lưới và kỹ thuật phơi rong sụn trên giàn tại 2 xã Phước Dinh, Cà Ná. Qua đánh giá, sản lượng rong sụn thu hoạch theo mô hình đạt từ 9-10 tấn/ha, lợi nhuận của người dân sau thu hoạch từ 13-15 triệu đồng cho mỗi vụ.
Từ thực tiễn sản xuất cho thấy, hiệu quả từ các mô hình, dự án ứng dụng tiến bộ KH-KT đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; đồng thời tạo sức bật trong phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện Thuận Nam. Mặt khác, khi sản xuất phát triển và có hiệu quả, người dân càng nhận thức đầy đủ hơn về chủ trương cũng như chủ động thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; qua đó, cải thiện đời sống, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Diễm My