Trong những năm qua, các hợp phần trên đã được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của nông dân sản xuất nhỏ tại tỉnh ta. Có dịp về các vùng nông thôn được thụ hưởng của Dự án CTNN tỉnh, điều làm chúng tôi chú ý là những con đường nội đồng được dự án đầu tư.
Đường nội đồng (từ HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hoài Trung đi suối Tầm Rá)
vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất.
Trao đổi với anh Nguyễn Văn Luận, cán bộ tư vấn của Ban Quản lý Dự án CTNN tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chúng tôi được biết: Hợp phần C (xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu) có mức đầu tư 3,13 triệu USD nhằm giải quyết những bất cập trong cơ sở hạ tầng sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Hạng mục đầu tư là đường, cầu, đập nước, kênh thủy lợi, hệ thống đường điện và biến thế cũng như cơ sở hạ tầng thông tin. Mục tiêu của Hợp phần C nhằm góp phần tăng năng suất và hiệu quả mạng lưới tiêu thụ, giúp tăng hiệu quả đầu tư các hợp phần A và B bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng. Hợp phần này chia ra 2 tiểu hợp phần, đó là tiểu hợp phần “Hỗ trợ cơ sở hạ tầng ưu tiên” và tiểu hợp phần “Hỗ trợ cơ sở hạ tầng phục vụ cho các liên minh sản xuất”. Qua 3 năm triển khai, Hợp phần C của Dự án CTNN tỉnh đã thực hiện đầu tư nâng cấp, xây dựng 20 con đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, trong đó có 18 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Trong đầu tư của Hợp phần C, chỉ tính riêng tiểu hợp phần “Hỗ trợ cơ sở hạ tầng ưu tiên của địa phương” đã có một số công trình tiêu biểu khắc phục điều kiện yếu kém của hạ tầng giao thông nội đồng. Đơn cử huyện Ninh Phước có các công trình: Đường Bình Quý (Phước Dân) đi thôn Trường Sanh (Phước Hậu), nâng cấp đường từ thôn La Chữ đi Rộc Bà Quế thuộc xã Phước Hữu, đường từ thôn Hiếu Lễ đi Trường Thọ (Phước Hậu), đường từ cầu Miễu Bà đi đồng Gò Cao, đường từ suối Tà Ranh đi sông Quao và đường từ HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hoài Trung đi suối Tầm Rá thuộc xã Phước Thái. Huyện Ninh Sơn có công trình đường khu phố 1 ra đồng sản xuất (Tân Sơn). Huyện Ninh Hải có các công trình: Đường cầu Móng-cầu Xe (Xuân Hải), nâng cấp đường từ tràn ruộng Láng đến tràn Cây Trôm (Phương Hải). Huyện Thuận Bắc có công trình đường Ấn Đạt-Bà Râu, đường vào khu sản xuất đập dâng Ba Hồ (Lợi Hải), đường vào khu sản xuất trạm bơm Mỹ Nhơn (Bắc Phong). Huyện Thuận Nam nâng cấp đường từ thôn Thiện Đức đi Bến Đò (Phước Ninh). Ngoài ra còn có các công trình đường giao thông phục vụ cho các liên minh sản xuất (rau, bắp, lúa và nông sản khác) được đầu tư trên địa bàn các huyện theo tiểu hợp phần “Hỗ trợ cơ sở hạ tầng phục vụ cho các liên minh sản xuất”. Đơn cử như: Công trình nâng cấp đường giao thông phục vụ cho Liên minh Sản xuất rau an toàn Tuấn Tú (An Hải, Ninh Phước), nâng cấp đường giao thông phục vụ cho Liên minh Sản xuất mía Quảng sơn (Ninh Sơn)...
Tác động lớn nhất từ những con đường hoàn thành, đã tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân địa phương. Gần đây khi đi trên con đường nội đồng từ suối Tà Ranh đi sông Quao (Phước Thái, Ninh Phước), chúng tôi có dịp gặp gỡ và ghi nhận được nhiều ý kiến phấn khởi của người dân. Ông Đổng Văn Tân, cư dân thôn Như Bình chia sẻ: Làm ra con đường này, Nhà nước đã giúp cho sản xuất, đời sống người dân nông thôn chúng tôi được cải thiện rõ. Ở xã Xuân Hải (Ninh Hải), quan sát tuyến đường cầu Móng-cầu Xe được Dự án CTNN tỉnh đầu tư cải tạo, nâng cấp, chúng tôi thấy các loại xe máy chở hàng lướt nhanh, niềm vui hiện rõ trên gương mặt người dân. Bà Nguyễn Thị Mai Loan, thôn An Xuân phấn khởi cho biết: Khó ai biết rằng trước kia đường này rất xấu, học sinh đi học lấm lem bùn đất, việc vận chuyển hàng hóa, lúa má càng cực hơn nữa. Bây giờ các phương tiện cơ giới có thể di chuyển khắp các cánh đồng giúp người nông dân chúng tôi chủ động từ khâu cày ải đến khâu thu hoạch.
Thực tế theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài triển vọng kết nối hoàn chỉnh với hạ tầng nông nghiệp, công trình nâng cấp đường nội đồng các địa phương do Dự án CTNN tỉnh đầu tư còn nhắm tới các mục tiêu khác về kinh tế, xã hội, môi trường. Từ những con đường này, bên cạnh các phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện, sẽ có nhiều mô hình sản xuất mới triển khai đạt hiệu quả và các tiến bộ khoa học-kỹ thuật được ứng dụng triệt để hơn. Đặc biệt, những con đường còn đóng góp vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ Chương trình Xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Bạch Thương