Từ thực tế cho thấy, có rất nhiều hộ nhờ được vay vốn từ nguồn tín dụng này mà phát triển được sản xuất. Điển hình, anh Trần Quang Thuật ở xã Tiên Du, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã thành triệu phú nhờ vay được nguồn vốn này để đầu tư vào chăn nuôi. Anh Thuật cho hay, anh dùng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư vào nuôi lợn. Ban đầu anh chỉ nuôi một vài con, sau đó nâng đàn và đến nay trang trại của gia đình anh đã có tới 50 con lợn nái và khoảng 300 con lợn thịt. Nguồn lãi thu được hàng năm anh tích góp lại và xây được ngôi nhà khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng. Cùng với đó, gia đình anh còn có điều kiện đầu tư cho con cái học hành.
Một hộ gia đình ở xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam vay vốn của Ngân hàng
NN&PTNT đầu tư vào nuôi gà cho thu nhập cao. Trần Việt - TTXVN
Cũng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi này, anh thanh niên mới ngoài 30 tuổi Trần Xuân Phong ở xã An Khang, TP Tuyên Quang đã thành lập được hợp tác xã nuôi ong Phong Thổ và tạo công ăn việc làm cho 25 hộ thành viên. Hiện tại, tổng vốn đầu tư của anh Phong đã lên tới hơn 5 tỷ đồng.
Ông Đỗ Đình Văn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết: Chương trình cho vay này đã tạo ra hàng chục ngàn công ăn việc làm, mở ra cơ hội xóa nghèo, làm giàu cho nhiều hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, chương trình này cũng góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, khai thác có hiệu quả lợi thế nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải nông dân nào được vay nguồn vốn này cũng có cơ hội thoát nghèo hay làm giàu. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp thường chịu nhiều rủi ro trước những tác động của thị trường, thiên tai, dịch bệnh. Chỉ cần một trận lũ, bão, dịch bệnh đi qua là bà con có thể mất cả gia sản.
Đầu tư trang trại nuôi lợn và cá sấu tới 15 tỷ đồng từ năm 2007 nhưng chị Chinh, chủ trang trại Trung Chinh ở thành phố Tuyên Quang vẫn đang trong quá trình thu hồi vốn. Theo chị Chinh, mấy năm trở lại đây chưa hết dịch bệnh hoành hành trên đàn lợn, thì trang trại của chị phải chịu thiệt vì giá thịt lợn rớt giá. Lợn nuôi hàng nghìn con chỉ cần giá xuống một vài giá là gia đình chị mất tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Chị Chinh ngán ngẩm nói: “Cứ như hiện nay thì phải 10 năm nữa tôi mới thu hồi đủ vốn. Có khi gia đình tôi phải tính cách chuyển phương án đầu tư sang lĩnh vực khác”.
Anh Trần Quang Thuật cũng cho biết, chăn nuôi bây giờ rủi ro cao do dịch bệnh, bên cạnh đó thị trường luôn biến động. Vài năm trở lại đây, lợi nhuận của người chăn nuôi giảm do giá cả xuống thấp trong khi chi phí đầu vào tăng cao. Nếu như năm 2011, anh thu lãi hơn 1 tỷ đồng thì năm 2012 chỉ còn hơn 200 triệu đồng, năm 2013 ước tính chỉ hơn 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: Với những hộ đang gặp khó khăn, ngân hàng sẽ nghiên cứu và giúp họ cơ cấu lại nợ. Ngoài ra, do đặc thù cho vay nông nghiệp nông thôn dễ gặp rủi ro nên ngân hàng còn tư vấn, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn sao cho hợp lý và lựa thời cơ đầu tư có lãi. Chẳng hạn như với các hộ nuôi lợn, ngân hàng giúp nông dân phân tích, đánh giá nuôi vào thời điểm nào. Làm như vậy vừa an toàn cho nguồn vốn ngân hàng lại vừa an toàn cho bà con.
Ngoài ra, khi triển khai Nghị định 41 cũng nảy sinh một số bất cập như: Người dân ở các phường, thị trấn không thuộc đối tượng được hưởng những ưu đãi về vốn trong khi họ vẫn sản xuất nông nghiệp; cơ chế bảo đảm tiền vay còn nhiều bất cập, mức cho vay còn thấp...
Những vướng mắc trên đang được ngành ngân hàng kiến nghị Chính phủ và các ngành chức năng quan tâm tháo gỡ. NHNN khẳng định, cơ quan này đã nắm được những khó khăn trong quá trình triển khai Nghị định 41và sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 41 trong thời gian tới.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN