Phát triển nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới

Ngày 3-12, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tiểu ban Văn hóa, Xã hội, Con người thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố, tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Những định hướng chủ yếu tiếp tục phát triển nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII là nghị quyết có tầm chiến lược to lớn và có ý nghĩa đặc biệt trong việc xây dựng và phát triển toàn diện đất nước. Năm quan điểm chỉ đạo được nêu trong Nghị quyết, nhất là quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Lê Thanh Hải , Uỷ viên Bộ Chính trị , Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh : Thanh Vũ – TTXVN

Về định hướng phát triển văn hóa Việt Nam trong thời gian tới, đồng chí Lê Thanh Hải nhấn mạnh đến 3 vấn đề chính: Giá trị nhân văn, truyền thống và hiện đại, mối quan hệ dân tộc và quốc tế. Để phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới, không thể không đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu thật kỹ, thật sát các đặc điểm, đặc trưng của thời kỳ chuyển tiếp từ xã hội truyền thống sang hiện đại. Trên cơ sở đó hoạch định chính sách thật hợp lý, khoa học, trước hết là nghiên cứu sự chuyển đổi giá trị và hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, nhằm phát huy sức mạnh văn hóa với tư cách là nền tảng, động lực và mục tiêu phát triển của nước ta trong giai đoạn mới.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi nhiều góc nhìn, nhiều thực tiễn phong phú cũng như căn cứ khoa học làm cơ sở đánh giá, đề xuất định hướng, kiến nghị các giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục phát triển nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Biên nhấn mạnh việc xây dựng đạo đức, lối sống hình thành nhân cách, hệ giá trị chuẩn con người Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các giá trị gia đình truyền thống, cộng đồng, dân tộc trong bối cảnh mới của đất nước và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, cần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nếu không đổi mới, không nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế, thì không thể đào tạo ra được những thế hệ người Việt Nam chuẩn mực, vốn là chủ nhân của nền văn hóa Việt Nam.

Nguồn Báo Tin tức-TTXVN