Đó là, tạo ra sự liên thông ở khu vực phía Tây của Tổ quốc và sự liên hệ chặt chẽ giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam; Tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để khai thác và phát triển một vùng đất rộng lớn, giàu tiềm năng ở phía Tây, góp phần tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo; Hình thành trục xuyên Việt thứ 2, kết hợp với quốc lộ 1A, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam để đảm nhậm vai trò liên kết các trọng điểm kinh tế với các cửa khẩu, cảng biển trên toàn quốc với các nước trong khu vực, đáp ứng xu thế hội nhập của nền kinh tế nước nhà; Góp phần đảm bảo phòng thủ biên giới, ổn định chính trị, an ninh- quốc phòng và bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử của đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến, nhằm phát huy và giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước cho con cháu các thế hệ mai sau.
Mở lối hòa nhập
Với những mục tiêu chiến lược trên và để nâng tầm vóc con đường của ý Đảng lòng dân, Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua Nghị quyết số 38/2004/QH 11 ngày 03/12/2004 về dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng Quốc gia. Tiếp theo Nghị quyết Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể tại Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 15/2/2007; Quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 15/2/2012.
Một đoạn đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Kon Tum
Theo đó phạm vi Quy hoạch đường Hồ Chí Minh sẽ đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài toàn tuyến 3.183 km (trong đó tuyến chính dài 2.499 km, tuyến phía Tây dài 684 km). Điểm đầu của tuyến đường là địa danh Pác Bó, thuộc tỉnh Cao Bằng và điểm cuối là địa danh Đất Mũi, thuộc tỉnh Cà Mau. Dự án được chia thành 3 giai đoạn đầu tư xây dựng, cụ thể: Giai đoạn một, đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe, bao gồm cả kiên cố hóa và chống sạt lở đoạn từ Hòa Lạc - Hà Nội đến Tân Cảnh - Kon Tum. Giai đoạn hai, nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe từ điểm đầu tại Pác Bó đến điểm cuối tại Đất Mũi. Giai đoạn ba, hoàn chỉnh toàn tuyến đường và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt và khả năng nguồn vốn.
Đến nay, dự án đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành giai đoạn một, đưa vào sử dụng hơn 1.350 km từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum). Giai đoạn hai của dự án đang được gấp rút triển khai xây dựng, nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về việc nối thông đường Hồ Chí Minh với quy mô 2 làn xe từ điểm đầu Pác Bó (Cao Bằng) đến điểm cuối Đất Mũi (Cà Mau).
Cùng với hệ thống đường dây 500 kV, đường Hồ Chí Minh đang góp phần phát triển KT-XH ở các địa phương
Tuy chưa hoàn thành toàn bộ dự án nhưng những hiệu quả bước đầu mà con đường mang lại có thể xem như là một kỳ tích quan trọng trong lịch sử phát triển của hệ thống giao thông đường bộ ở Việt Nam. Trước hết, đó là mục tiêu tạo ra sự liên thông ở khu vực phía Tây của Tổ quốc và hình thành trục đường xuyên Việt thứ 2, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Thực hiện mục tiêu này, chỉ trong một thời gian ngắn (từ năm 2000 đến năm 2005) dự án đã khai thông một tuyến đường mới ở phía Tây, nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh và đang hình thành một trục đường xuyên Việt thứ 2 sau quốc lộ 1A.
Minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả của con đường này là Tây Nguyên nói riêng và cả vùng đất phía Tây bao la, giàu tiềm năng của Tổ quốc trước đây dường như “bị lãng quên” nay đã được mở lối hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước. Khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi, miền núi với đồng bằng đã được rút ngắn, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội các tỉnh trong vùng, nâng cao đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo đối với hàng chục triệu đồng bào các dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây.
Giao thông thông suốt
Nhằm tạo cơ sở hạ tầng, phân bố lại dân cư, khi thông tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum), hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ở những khu vực dự án đi qua được cải thiện đáng kể.
Các đường gom, đường ngang, đường dân sinh kết nối với đường Hồ Chí Minh tạo ra sự thông thương đi lại thuận tiện và hình thành các cụm dân cư mới, cùng với các làng thanh niên lập nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều dọc theo hai bên đường Hồ Chí Minh; tạo điều kiện cho việc phân bố lại dân cư và điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, xã hội trên phạm vi cả nước. Một số dự án thành phần sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả cao như các đoạn qua Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum và khu vực Tây Nguyên, làm thay đổi diện mạo của các địa phương về cơ sở hạ tầng giao thông, tạo sự khang trang, hiện đại trong các thành phố, thị tứ và được các địa phương đánh giá cao về chất lượng công trình, cũng như hiệu quả khai thác sử dụng.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Vườn Quốc gia Cúc Phương
Đặc biệt, sau khi đưa vào khai thác giai đoạn một, đường Hồ Chi Minh đã hỗ trợ đắc lực cho quốc lộ 1A hiện đang quá tải và cùng với quốc lộ 1A giải quyết kịp thời tình trạng giao thông ách tắc trong mùa bão lũ, bảo đảm giao thông thông suốt quanh năm. Theo thống kê của Tổng Cục đường bộ Việt Nam, sau gần hai năm thực hiện phân luồng bắt buộc đoạn Hà Nội - Vinh đối với các xe vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định đi từ các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc và Hà Nội đến khu vực từ thành phố Vinh trở vào phía Nam và ngược lại, kết quả bước đầu cho thấy bình quân mỗi tháng lượng phương tiện vận tải lưu hành trên đường Hồ Chí Minh tăng từ 30% đến 40%. Trên cơ sở kết quả này, Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để khai thác các đoạn tuyến còn lại từ Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị và các đoạn từ Hòa Cầm (Đà Nẵng) - Thạnh Mỹ (Quảng Nam) - Ngọc Hồi - Tân Cảnh (Kon Tum) qua khu vực Tây Nguyên một cách hợp lý, hiệu quả.
Phát huy truyền thống của đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa, đường Hồ Chí Minh ngày nay tuy mới đưa vào khai thác sử dụng hơn 1.350 km của giai đoạn một, nhưng đã thể hiện rõ vai trò là con đường mang tính chiến lược cao, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm chính trị, an ninh - quốc phòng. Đường Hồ Chí Minh đi qua nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, di tích Lam Kinh, Bến En, khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông, di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, vườn Bạch Mã, Ngọc Linh, Km số O Tân Kỳ, khu di tích Kim Liên - Nam Đàn quê Bác, Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, Long Đại, Xuân Sơn, Hang Tám Cô, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Ngục Đăk Lây, Ngục Kon Tum..., đang góp phần tạo sự khỏi sắc, thu hút du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu, học tập, nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Đây cũng là cơ sở để ngành GTVT quyết tâm thực hiện có kết quả giai đoạn ba nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc để xứng tầm với tầm vóc và vị trí “con đường của ý Đảng lòng dân”; góp phần đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường hội nhập và phát triển.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN