Do đó, vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm tính đến 20-11 là 884,01 triệu USD. Tới thời điểm tháng 11 này, FDI vào BĐS tiếp tục đứng thứ 3 trong số các lĩnh vực thu hút FDI (sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa).
So với cùng kỳ tới tháng 11 năm 2012, lĩnh vực kinh doanh bất động sản mới thu hút vốn FDI bằng nửa so với mức vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,84 tỷ USD, chiếm 15,1%.
Dù thị trường chưa khởi sắc nhưng BĐS vẫn có sức hút vốn FDI.
Tuy nhiên, số dự án cấp mới là 20, tăng 10 dự án so với năm ngoái. Và, xét về lượng vốn FDI vào bất động sản vẫn tăng trong mấy tháng gần đây chứng tỏ BĐS vẫn có sức hút với nhà đầu tư ngoại. Cụ thể, tại thời điểm 20-10-2013, bất động sản cũng là lĩnh vực đứng thứ 3 về thu hút vốn FDI, với 16 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 588,23 triệu USD.
Còn tại tháng 8 và tháng 9-2013, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 588,11 triệu USD, chiếm 4,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trước đó, từ hết quý I/2013, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 249,84 triệu USD, chiếm gần 4,1% tổng vốn đầu tư.
Rồi lũy kế đến thời điểm tháng 7/2013, lĩnh vực này đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 580,77 triệu USD, chiếm 4,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo Savills Việt Nam, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang có sự quan tâm trở lại thị trường Việt Nam. Điều này là do Việt Nam đang ở đáy của chu kỳ thị trường bất động sản và các nhà đầu tư Hàn Quốc muốn đón đầu thị trường khi nền kinh tế hồi phục. Đang có sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư Hàn Quốc nhắm đến việc mua những tài sản có dòng tiền ổn định như tòa nhà văn phòng, căn hộ dịch vụ và khách sạn.
Ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, còn cho biết: Các nhà đầu tư Nhật rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và kỳ vọng thị trường bất động sản Việt Nam là điểm đến đầu tư trung và dài hạn.
Bởi lẽ, thị trường bất động sản Việt Nam sở hữu những ưu thế nhất định so với các nước khác trong khu vực. Khi mà suất đầu tư của phân khúc bất động sản thương mại trên toàn thế giới vẫn có dấu hiệu giảm mạnh thì thị trường thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đang có dấu hiệu “chạm đáy” của chu kỳ bất động sản và đang trên đà hồi phục. Điều này mang lại lợi thế về giá cả cho các nhà đầu tư quốc tế so với các thị trường lân cận như: Indonesia, Philippine và Malaysia.
Thêm vào đó, nền tảng cơ bản của kinh tế Việt Nam vẫn đang vững mạnh. Theo Liên hợp quốc, Việt Nam đang sở hữu tháp dân số lý tưởng từ năm 2008 đến 2035 với số lượng dân số trong độ tuổi lao động vượt mức số dân số phụ thuộc. GDP được dự báo tiếp tục tăng trưởng khả quan và tình hình chính trị ổn định cũng là một lợi thế không nhỏ so với các nước khác.
Hơn thế nữa trên thị trường đang hiện hữu nhiều cơ hội đầu tư. Điều này sẽ giúp thúc đẩy tính hiệu quả của các thương vụ mua bán và sáp nhập. Đặc biệt với lợi thế huy động vốn sẵn có, các nhà đầu tư Nhật Bản càng dễ dàng nắm bắt các cơ hội này.
Nguồn vov.vn