Theo thống kê, đến nay tổng đàn gia súc có sừng trên địa bàn huyện Bác Ái có trên 18.400 con, bao gồm gần 15.150 con bò, 1.000 con trâu và gần 2.300 con dê, cừu (đa số là dê). Những năm trước đây khi dê, cừu còn chưa xuất hiện ở Bác Ái, mô hình chăn nuôi bò dưới tán rừng đã từng phát huy thế mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế và góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo, nâng thu nhập cho người dân.
Bò chăn thả trên các đồng cỏ tự nhiên ở Phước Thắng (Bác Ái).
Có dịp đi khắp 9 xã trong huyện tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận hầu như các hộ dân Raglai có nhà xây khang trang, phương tiện đi lại và các tiện nghi sinh hoạt gia đình đều xuất phát từ chăn nuôi bò. Đơn cử ở thôn Chà Đung (xã Phước Thắng) ông Ka-tơ Đống, cựu chiến binh nổi tiếng sản xuất giỏi đã làm giàu nhờ chăn nuôi bò. Hiện nay dù đã nhiều lần xuất bán để trang trải cho gia đình, ông vẫn còn đàn bò 40 con và đàn dê gần 50 con. Gần đây, đến thôn Tà Lú 1 (xã Phước Đại), chúng tôi cũng nhận thấy trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi có rất nhiều chị em thoát nghèo nhờ chăn nuôi trâu, bò như chị Chamaléa Thị Hà và chị Chamaléa Thị Luốc. Cũng chính vì hiệu quả thấy rõ trong chăn nuôi bò, nên khi triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất của nguồn vốn các Chương trình, dự án, Bác Ái đã hỗ trợ cho hàng trăm hộ dân nuôi bò sinh sản.
Đầu tháng 11, chúng tôi trở lại xã miền núi Phước Tân, qua trao đổi, đồng chí Pi-năng Thuốc, Bí thư Đảng ủy xã cũng thừa nhận: “Tận dụng điều kiện tự nhiên của đồng cỏ dưới tán rừng, người dân Phước Tân đã đầu tư phát triển chăn nuôi bò, đến nay toàn xã đã có tổng đàn khoảng 1.300 con”. Ông Pi-năng Đăng ở thôn Ma Lâm nuôi trên 10 con bò, nói chắc nịch: “Ở Phước Tân này muốn thoát nghèo chỉ có nuôi bò là hay nhất, có người nuôi rất nhiều như bà Chamaléa Thị Thính bên thôn Ma Ty có đàn bò 32 con, nhờ nuôi bò mà nhiều người lo được cho con ăn học đàng hoàng”. Ở xã miền núi Phước Trung, trao đổi vấn đề trên với Hội Phụ nữ xã, chúng tôi được biết nuôi bò đang trở nên phổ biến ở địa phương, việc chăn dắt hầu như đều do phụ nữ đảm nhiệm. Các chị cán bộ lãnh đạo Hội Phụ nữ xã Phước Trung giải thích: Ở địa phương ngoài nông nghiệp ra người dân không thể chuyển đổi nghề nào khác, nên mọi người tập trung đầu tư cho chăn nuôi bò.
Lợi thế chăn nuôi bò nói riêng và chăn nuôi gia súc có sừng nói chung của Bác Ái là không thể phủ nhận. Nhưng tiềm năng lợi thế là một lẽ, còn phát huy lợi thế ra sao lại là chuyện khác. Trong thực tế, ngoài những nguyên nhân do biến động giá và dịch bệnh, chăn nuôi gia súc có sừng ở Bác Ái vẫn còn trong tình trạng lạc hậu. Trước hết là con giống, hầu hết nông dân còn chăn nuôi giống địa phương, tầm vóc nhỏ, tăng trưởng thấp, giá trị kinh tế không cao. Mặt khác do hạn chế về kỹ thuật chăm sóc, lại quen với tập quán chăn thả tự do trong vùng đồi núi nên người dân không quan tâm đến vấn đề làm chuồng trại, bổ sung thức ăn và tiêm phòng dịch bệnh. Trước thực trạng đó, để nâng chất lượng và số lượng đàn gia súc có sừng, rõ ràng Bác Ái cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các mô hình chăn nuôi hiệu quả, tổ chức cho bà con học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Bên cạnh đó công tác khuyến nông miền núi cần chú ý tập huấn cho người dân về kỹ thuật chăm sóc gia súc, chế biến thức ăn, phòng chống dịch bệnh và cả về cách tính toán trong chăn nuôi.
Chủ trương của huyện Bác Ái trong năm nay là thúc đẩy chăn nuôi gia súc có sừng ổn định và tăng số lượng đàn theo hướng đi dần vào chất lượng, bên cạnh đó còn quy hoạch và hướng dẫn nhân dân trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, chuyển đổi con giống. Đặc biệt là tăng cường công tác thú y và biện pháp phòng chống dịch bệnh; tìm kiếm đầu ra hợp lý cho các sản phẩm từ gia súc. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế-xã hội hạn chế, Bác Ái rất cần có các chương trình, dự án quy mô và kinh phí lớn đầu tư cho chăn nuôi. Bởi chỉ có như vậy mới mong giúp người dân địa phương nâng cao kiến thức, thay đổi phương thức chăn nuôi để quản lý, chăm sóc gia súc có sừng hiệu quả hơn.
Bạch Thương