Toàn xã có 3.475 hộ dân, với trên 14.700 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Với 289 hộ nghèo (chiếm 8,32%) và 177 hộ cận nghèo (chiếm 5,09%), Ban chỉ đạo giảm nghèo xã đã tư vấn, hướng dẫn bà con vay vốn tạo việc làm, đầu tư phát triển sản xuất. Hiện tổng dư nợ từ các nguồn vốn tín dụng ủy thác do xã quản lý trên 33 tỷ đồng, trong đó: dư nợ hộ nghèo trên 8,7 tỷ đồng, dư nợ hộ cận nghèo trên 3,5 tỷ đồng, dư nợ tín dụng học sinh sinh viên gần 14 tỷ đồng,…
Từ nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ninh Sơn,
ông Đạo Văn Mì (Lương Tri – Nhơn Sơn) đầu tư trồng 2 sào táo xanh.
Ngoài ra, số dư huy động tiết kiệm gần 318 triệu đồng, với 1.304 hộ tham gia. Hiện trên toàn xã có 55 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động. Đồng chí Đạo Văn Sói, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban chỉ đạo giảm nghèo xã cho biết: Ngoài các khoản vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ninh Sơn (với hơn 2.200 hộ dân vay vốn), nông dân trên địa bàn còn mạnh dạn vay vốn từ các ngân hàng thương mại để đầu tư phát triển sản xuất. Trong đó, nhiều nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với trên 1.300 hộ, vay hơn 46 tỷ đồng. Địa phương luôn kịp thời nắm bắt và đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật và định hướng cho nông dân những cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã. Cụ thể, xã đã triển khai thực hiện các mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, trồng táo xanh, sản xuất nho sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển chăn nuôi bò, cừu,… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Là chủ trang trại cừu lớn ở thôn Lương Tri, ông Hứa Tấn Biểu, cho biết gia đình chăn nuôi bò, cừu đã lâu năm, cũng có nhiều kinh nghiệm. Năm 2003, sau khi bán hết vật nuôi để xây cất nhà cửa, ông quyết định thế chấp nhà đất để vay vốn 100 triệu đồng từ ngân hàng, đầu tư chăn nuôi cừu theo mô hình trang trại. Đến nay, đã trả hơn 50% số nợ vay, trang trại hiện có trên 100 con cừu. Với giá bán cừu thịt dao động từ 100.000 – 110.000 đồng/kg (cân hơi) như hiện nay, mỗi con xuất chuồng có giá trung bình 4 triệu đồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Theo chị Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, đa phần người dân vay vốn đều đầu tư đúng mục đích, trả lãi và nợ vay kịp thời. Một số hộ quá khó khăn hoặc gặp rủi ro trong sản xuất (thời tiết không thuận lợi, giá cả thị trường bấp bênh,…) chưa có khả năng trả nợ thì được hướng dẫn gia hạn và giúp đỡ từ các nguồn khác.
Chi phí đầu tư cho sản xuất ngày càng cao, kéo theo nhu cầu vay vốn trong nông dân cũng tăng lên nhanh chóng. Muốn có nguồn thu ổn định từ nông nghiệp, nhà nông nhất thiết phải tính toán, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất mới, có hiệu quả kinh tế cao không chỉ cải thiện chất lượng đời sống nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn thúc đẩy gia tăng lợi ích vòng quay các nguồn vốn tín dụng.
Bảo Bình