Tín dụng đã hỗ trợ tốt cho phát triển nông nghiệp

Tín dụng ngân hàng phục vụ cho tam nông tăng trưởng rất nhanh. Trong vòng mấy năm qua, dư nợ tín dụng đối với khu vực này tăng gấp 2,2 lần và chiếm 22% tổng dư nợ của nền kinh tế. Điều đó cũng tương xứng với tỷ lệ đóng góp của ngành Nông nghiệp vào GDP của cả nước.

 
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thông tin thêm tới các đại biểu sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Vừa qua, bằng nhiều chính sách khác nhau, hệ thống ngân hàng đã khuyến khích các TCTD tập trung vốn cho tam nông.

Hệ thống ngân hàng đã cung cấp đầy đủ vốn cho việc tạm trữ lúa gạo trong thời gian vừa qua. Những sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp như cá tra, ba sa... cũng được cung cấp lượng vốn tương đối lớn với tổng dư nợ cho lĩnh vực này khoảng 25 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng cũng đã giải quyết một số vấn đề thuộc thẩm quyền như cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi… Với những nội dung vượt thẩm quyền, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành giải quyết để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất.

Với lĩnh vực sản xuất và tái canh cây cà phê, NHNN cũng đang trình đề xuất thực hiện cơ chế tạm trữ cà phê và hệ thống ngân hàng đã đáp ứng đủ vốn.

Nhận thấy vấn đề quan trọng cho vay tái canh cây cà phê, qua làm việc trực tiếp, NHNN thấy đây là việc cần làm ngay, nếu không khoảng 3-5 năm nữa sản lượng cà phê sẽ sụt giảm. Vì vậy, hệ thống ngân hàng đã dành gói tín dụng 12 nghìn tỷ đồng cho việc tái canh cây cà phê, trong đó riêng tỉnh Lâm đồng là 2 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đại diện NHNN, để tái canh cây cà phê thì nguồn vốn chỉ là một yếu tố, bên cạnh đó vấn đề quy hoạch, chọn giống cây cà phê cũng rất quan trọng. Do đó, NHNN đang phối hợp với Bộ NNPTNT cũng như chính quyền địa phương có phương án quy hoạch, giống cây tốt để tái canh cây cà phê hiệu quả.

Thống đốc NHNN cũng thông tin thêm về lĩnh vực cho vay xóa đói, giảm nghèo, đối tượng chính sách. Cụ thể, tổng dư nợ cho vay xóa đói, giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 118 nghìn tỷ đồng, trung bình mỗi năm tăng trưởng tín dụng cho vay đối với người nghèo từ 7-10%. Trong khi đó, nợ quá hạn của ngân hàng này là rất thấp, chỉ chưa đến 1% tổng dư nợ.

Hiện tại NHNN đang trình cơ chế tín dụng giúp người nông dân thoát nghèo và thoát nghèo bền vững; có cơ chế tín dụng trong thời gian tới nhằm phục vụ cho liên kết các hộ nông dân trong mô hình hợp tác xã mới hay DN mới…

Nguồn chinhphu.vn