Chính sách tín dụng phục vụ nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển

(NTO) Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, ngành Ngân hàng đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ nông dân, tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất-kinh doanh, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà.

Ông Lê Văn Cương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy khi triển khai Nghị định 41, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo cho tất cả các ngân hàng trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch mở rộng mạng lưới hoạt động tại tất cả các vùng nông thôn trong tỉnh. Với việc đa dạng hoá các hình thức cho vay, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận với nguồn vốn vay nên tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tăng trưởng mạnh theo từng năm. Đến nay, mạng lưới giao dịch tín dụng nông nghiệp đã phủ kín đến tất cả các xã, phường toàn tỉnh. Các ngân hàng đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách cho vay; thực hiện cho vay tín chấp đối với các đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình; thoả thuận uỷ quyền cho tổ chức chính trị - xã hội thực hiện toàn bộ hoặc một số khâu của nghiệp vụ tín dụng, đã tạo thuận lợi trong chuyển tải vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 
Các hộ thuộc diện chính sách xã Bắc Phong làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Thuận Bắc.

Trong 3 năm, tính từ tháng 8-2010 đến tháng 8-2013, nguồn vốn tín dụng cho vay khu vực nông thôn ở tỉnh ta là 5.880 tỷ đồng, chiếm 24,9% trong tổng doanh số cho vay nền kinh tế cùng giai đoạn. Dư nợ tín dụng địa bàn nông thôn đạt trên 3.000 tỷ đồng, với 102.091 lượt khách hàng (tăng 77% so với thời điểm tháng 6-2010). Trong đó dư nợ cho vay thông thường là 1.836 tỷ đồng, chiếm 61,1%; dư nợ cho vay theo chính sách nhà nước là 1.168 tỷ đồng, chiếm 38,9%. Khách hàng cá nhân vay 560 tỷ đồng, với 20.665 lượt khách hàng, chiếm 18,64%; hộ sản xuất – kinh doanh vay 1.927 tỷ đồng, với 81.427 lượt hộ, chiếm 64,1% dư nợ và 77,3% số hộ khu vực nông thôn; doanh nghiệp vay 501 tỷ đồng, với 53 doanh nghiệp chiếm 16,7%. Bình quân vay vốn hộ nghèo, cận nghèo, hộ thuộc đối tượng ưu tiên vay vốn chính sách nhà nước trên 22 triệu đồng/hộ; hộ thông thường vay vốn ngân hàng thương mại trên 40,5 triệu đồng/hộ; doanh nghiệp 9,2 tỷ đồng/doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành Ngân hàng cũng đầu tư tín dụng cho 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, dư nợ 556 tỷ đồng, với 33.794 lượt khách hàng. Cho vay ưu đãi lãi suất đối với huyện nghèo Bác Ái theo Nghị quyết 30a của Chính phủ là 10,5 tỷ đồng, với 738 lượt hộ.

Nhìn chung, vốn tín dụng ngân hàng cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất nông nghiệp nhất là đối với thành phần kinh tế hộ gia đình. Trong đó cho vay chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp chiếm 55,7%; cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn (bao gồm cho vay học sinh-sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường) chiếm 22,95%, cho vay chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và muối chiếm 9 % ....

Đi đầu trong đầu tư tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong tỉnh là Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh. Đối với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến thời điểm hết tháng 9-2013, tổng dư nợ là 2.263 tỷ đồng, trong đó đầu tư tín dụng nông nghiệp, nông thôn là 1.895 tỷ đồng, với 36.461 lượt khách hàng chiếm tỷ trọng 83%, tăng gấp 2 lần so với năm 2010. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, cho vay vốn trong 3 năm là 788,9 tỷ đồng, với 38.088 lượt khách hàng vay. Trong đó cho vay sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 58,5%, cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn chiếm 33,08%, còn lại cho vay khác.

 
Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH, gia đình anh Nguyễn Văn Tiền
(thôn Nho Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Phạm Lâm

Sau 3 năm thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 41 đã tạo điều kiện cho nông dân trong tỉnh tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, hạn mức vay vốn cao nên thuận lợi hơn trong đầu tư sản xuất, tăng thu nhập. Cùng với chính sách tín dụng, tỉnh ta đang đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình sản xuất mới đang được nhân rộng đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần thiết thực vào quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.

Tuy nhiên khó khăn trong thực hiện Nghị định 41 ở tỉnh ta đó là các hộ gia đình, hộ kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp có địa chỉ, cơ sở ở địa bàn thị trấn, phường giáp với địa bàn nông thôn thì không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách, nhất là chính sách vay không có tài sản đảm bảo và xử lý rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Đối với các hộ, tổ chức đã vay không có tài sản đảm bảo khi gặp rủi ro, không có khả năng trả nợ và đã được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì việc tiếp tục vay vốn để khôi phục sản xuất rất khó do không có tài sản đảm bảo. Mức vay không có tài sản đảm bảo theo Nghị định 41 đối với hộ sản xuất, nuôi trồng thủy sản dưới 50 triệu đồng như hiện nay là quá thấp, không phù hợp với chí phí sản xuất. Nếu những hạn chế nêu trên được khắc phục kịp thời, thì nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn sẽ được khơi thông dòng chảy mạnh hơn, qua đó thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh nhà.